Thứ Sáu 26/04/2024 18:12 GMT+7

Triển lãm Quân đội nhân dân Việt Nam anh hùng - Tự hào 70 năm xây dựng và phát triển

Ngày đăng: 19/12/2014
Triển lãm "Quân đội nhân dân Việt Nam anh hùng - Tự hào 70 năm xây dựng và phát triển" kỷ niệm 70 năm Ngày Thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12/1944 – 22/12/2014) và 25 năm Ngày hội Quốc phòng toàn dân (22/12/1989 – 22/12/2014) tại Nhà Văn hóa Thanh niên Thành phố Hồ Chí Minh, từ ngày 18/12/2014 đến ngày 25/12/2014)
Chú thích tóm lược về tiểu sử các Đại tướng trong quân đội nhân dân Việt Nam theo trang web Quân đội nhân dân Online (www.qdnd.vn).
Chủ tịch Hồ Chí Minh (1890 -1969) là một người cộng sản vĩ đại, một anh hùng dân tộc kiệt xuất, một chiến sĩ quốc tế lỗi lạc, đã đấu tranh không mệt mỏi và hiến dâng cả đời mình vì Tổ quốc, vì nhân dân, vì lý tưởng cộng sản chủ nghĩa, vì độc lập, tự do của các dân tộc, vì hòa bình và công lý trên thế giới.
Đại tướng Võ Nguyên Giáp (1911 - 2013), được phong quân hàm Đại tướng năm 1948, Phó Thủ tướng Chính phủ (Hội đồng Bộ trưởng); Tổng Tư lệnh Quân đội Nhân dân Việt Nam; Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Ủy viên Bộ Chính trị khóa II, III, IV. Ông còn được vinh danh là Người anh cả của Lực lượng Vũ trang Nhân dân Việt Nam, Đại tướng đầu tiên của Quân đội Nhân dân Việt Nam, Huân chương Sao vàng.
Đại tướng Nguyễn Chí Thanh (1914-1967), được phong quân hàm Đại tướng năm 1959, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị, Ủy viên Bộ Chính trị khóa II, III, Huân chương Sao vàng (truy tặng).
Đại tướng Văn Tiến Dũng (1917-2002), được phong hàm Đại tướng năm 1974, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng (1980-1986), Ủy viên Bộ Chính trị (3-1972) khóa IV, V, Bí thư Đảng ủy Quân sự Trung ương (1984-1986), Huân chương Sao vàng.
Đại tướng Hoàng Văn Thái (1915-1986), được phong Đại tướng năm 1980, Tổng tham mưu trưởng (1945-1953), Thứ trưởng Bộ Quốc phòng (1974-1986), Ủy viên Ban chấp hành Trung ương các khóa III, IV và V, Tổng tham mưu trưởng đầu tiên, Huân chương Sao vàng (truy tặng).
Đại tướng Chu Huy Mân (1913-2006), được phong Đại tướng năm 1980, Phó Chủ tịch Hội đồng Nhà nước, Ủy viên Bộ Chính trị khóa IV, V, Đại tướng có tuổi Đảng cao nhất (vào Đảng năm 1930), Huân chương Sao vàng.
Đại tướng Lê Trọng Tấn (1914-1986), được phong hàm Đại tướng năm 1984, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng kiêm Tổng tham mưu trưởng (1980-1986), Ủy viên Ban chấp hành Trung ương các khóa IV, V, Huân chương Sao vàng (truy tặng năm 2007).
Đại tướng Lê Đức Anh (1920), được phong Đại tướng năm 1984, Chủ tịch nước (1992-1997), Ủy viên Bộ Chính trị khóa V, VI, VII, VIII, Huân chương Sao vàng.
Đại tướng Nguyễn Quyết (1922), được phong Đại tướng năm 1990, Phó Chủ tịch Hội đồng Nhà nước, Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa IV, V, VI (Ủy viên Ban Bí thư Trung ương Đảng khóa VI), Huân chương Sao vàng.
Đại tướng Đoàn Khuê (1923-1998), được phong Đại tướng năm 1990, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng (1991-1997), Ủy viên Bộ Chính trị khóa VI, VII, VIII, Huân chương Sao vàng (truy tặng năm 2007).
Đại tướng Phạm Văn Trà (1935), được phong Đại tướng năm 2003, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng (1997-2006), Ủy viên Bộ Chính trị khóa VIII, IX, Anh hùng Lực lượng Vũ trang Nhân dân.
Đại tướng Lê Văn Dũng (1945), được phong Đại tướng năm 2007, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng khóa IX, X.
Đại tướng Phùng Quang Thanh (1949), được phong Đại tướng năm 2007, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng (2006 đến nay), Ủy viên Bộ Chính trị khóa X, XI, Anh hùng Lực lượng Vũ trang Nhân dân.
Bảng trích: Chỉ thị thành lập Đội Viêt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân do Chủ tịch Hồ Chí Minh ký (tháng 12/1944).
Nhằm đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ giải phóng dân tộc, ngày 22 tháng 12 năm 1944, tại khu rừng giữa tổng Hoàng Hoa Thám và Trần Hưng Đạo thuộc châu Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng (nay là Xóm Nà Sang, Xã Tam Kim, Huyện Nguyên Bình, Tỉnh Cao Bằng), Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân được thành lập gồm 34 chiến sĩ, biên chế thành 3 tiểu đội có chi bộ Đảng lãnh đạo. Đồng chí Hoàng Sâm được cử làm Đội trưởng; Đồng chí Xích Thắng (Dương Mạc Thạch) làm Chính trị viên.
Ảnh: Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân được thành lập – tiền thân của Quân đội nhân dân Việt Nam, do Đồng chí Võ Nguyên Giáp phụ trách.
Đồng chí Võ Nguyên Giáp đọc Lời Tuyên thệ trong Ngày thành lập Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân, ngày 22 tháng 12 năm 1944. Thực hiện Chỉ thị của lãnh tụ Hồ Chí Minh, ngày 25 và 26 tháng 12 năm 1944, Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân đã mưu trí, táo bạo, bất ngờ lập nên chiến thắng Phai Khắt và Nà Ngần mở đầu cho truyền thống đánh chắc thắng, đánh thắng trận đầu của quân đội ta.
Đội du kích Ba Tơ là tổ chức vũ trang đầu tiên ở Nam Trung Bộ ra đời sau cuộc khởi nghĩa Ba Tơ (ngày 11 tháng 3 năm 1945) do Tỉnh ủy lâm thời Quảng Ngãi lãnh đạo. Ngay ngày đầu ra quân, Đội du kích đã đánh chiếm Nha Kiểm Lý, triệt hạ đồn Ba Tơ, đưa cuộc khởi nghĩa đến thắng lợi thành lập chính quyền cách mạng ở châu Ba Tơ.
Lực lượng Vũ trang và nhân dân đánh chiếm Bắc Bộ Phủ trong cuộc Tổng khởi nghĩa giành chính quyền ở Hà Nội, ngày 19 tháng 8 năm 1945.
Nhân dân Sài Gòn hưởng ứng cuộc Tổng khởi nghĩa Cách mạng Tháng 8, nổi dậy giành chính quyền, ngày 23 tháng 8 năm 1945.
Tháng 4 năm 1945, Trung ương Đảng quyết định thống nhất các Lực lượng Vũ trang cả nước thành Việt Nam Giải phóng quân. Sau Cách mạng Tháng 8 thành công, Việt Nam Giải phóng quân được đổi tên thành Vệ Quốc quân.
Ảnh: Một Chi đội Vệ Quốc quân tại Quảng trường Ba Đình trong ngày Lễ Quốc Khánh 2 tháng 9 năm 1945.
Ngày 23 tháng 9 năm 1945, dựa thế của quân Anh, Nhật, thực dân Pháp nổ súng gây hấn ở Sài Gòn, mở đầu cuộc chiến tranh xâm lược nước ta lần thứ 2. Hưởng ứng lời kêu gọi của Ủy ban kháng chiến Nam bộ, phong trào đấu tranh chống Pháp diễn ra sôi sục khắp chiến trường miền Nam.
Ảnh: Lực lượng Vũ trang Sài Gòn – Gia Định tại Chiến khu An Phú Đông – Hóc Môn.
Năm 1946, Vệ Quốc quân đổi tên thành Quân đội Quốc gia Việt Nam. Ngày 19 tháng 12 năm 1946, kháng chiến toàn quốc bùng nổ. Với lời thề “Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”, Đội Cảm Tử quân Hà Nội được thành lập và tham gia chiến đấu, dũng cảm ngay từ những ngày đầu Toàn quốc kháng chiến.
Đoàn quân Nam tiến lên đường ra trận theo lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh, tháng 12 năm 1946.
Năm 1950, Quân đội Quốc gia Việt Nam được đổi tên thành Quân đội nhân dân Việt Nam, lực lượng lớn mạnh về mọi mặt, đánh thắng nhiều chiến dịch quan trọng, mở rộng vùng giải phóng ở Tây Bắc, Việt Bắc.
Ảnh: Bác Hồ trên đài quan sát chỉ huy trận đánh mở màn của Bộ đội ở Đông Khê trong Chiến dịch Biên giới năm 1950.
Bộ đội ta không quản gian lao, nguy hiểm, kéo pháo vượt rừng sâu, núi cao trong Chiến dịch Điện Biên Phủ, tháng 4 – tháng 5 năm 1954.
Chiến dịch Điện Biên Phủ là những trận đánh lớn nhất trong Chiến tranh Đông Dương lần thứ nhất diễn ra tại lòng chảo Mường Thanh, Điện Biên, Lai Châu; là chiến thắng lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu của quân và dân ta trong cuộc kháng chiến chống Pháp 1945 – 1954.
Ảnh: Lá cờ Quyết chiến Quyết thắng của Quân đội nhân dân Việt Nam tung bay trên nóc hầm Tướng Đờ - Cát – Xtơri, ngày 07 tháng 5 năm 1954.
Ngày 10 tháng 10 năm 1954, Đoàn quân chiến thắng tiến về tiếp quản Hà Nội. Nhân dân Thủ độ hân hoan đón mừng những người con chiến thắng trở về.
Ngay sau thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Pháp (1945 - 1954), quân và dân ta tiếp tục vào cuộc kháng chiến trường kỳ chống Mỹ để giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
Ảnh: Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đại Tướng Võ Nguyên Giáp thăm Bộ đội diễn tập chiến đấu, năm 1957.
Dưới ánh sáng Nghị quyết Hội nghị lần thứ 15 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (năm 1959), quân và dân miền Nam đã từ các hình thức đấu tranh chính trị và đấu tranh vũ trang vùng lên giành chính quyền, đỉnh cao là Phong trào Đồng khởi năm 1960.
Ảnh: Đồng bào Củ Chi trong những ngày Đồng Khởi 1959 - 1960.
Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, quân và dân Củ Chi có nhiều sáng tạo trong cách đánh, tạo thế bám trụ, đã đánh bại chiến thuật chiến tranh hiện đại của đế quốc Mỹ.
Ảnh: Lực lượng Vũ trang huyện Củ Chi trong những năm kháng chiến chống đế quốc Mỹ.
Chiến thắng Ấp Bắc (Tiền Giang) ngày 02 tháng 7 năm 1963 đã mở đường cho quân dân miền Nam tiến lên đánh bại chiến lược “Chiến tranh đặc biệt” của Mỹ, tạo nên bước ngoặt quan trọng trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của ta.
Ảnh: Cán bộ, chiến sĩ Tiểu đoàn 514 được tặng huy hiệu danh dự trong trận Ấp Bắc, ngày 02 tháng 7 năm 1963.
Nhằm cứu nguy cho thất bại ở chiến trường miền Nam, ngày 05 tháng 8 năm 1964, đế quốc Mỹ mở cuộc chiến tranh phá hoại miền Bắc bằng không quân và hải quân rất ác liệt hòng ngăn chặn sự chi viện của hậu phương miền Bắc cho tiền tuyến miền Nam
Ảnh: Chiến thắng trận đầu tiêu diệt máy bay Mỹ của Hải quân nhân dân Việt Nam, ngày 05 tháng 8 năm 1964, tại Hòn Gai, Quảng Ninh.
Tháng 10 năm 1964, các Lực lượng Vũ trang miền Nam mở Chiến dịch Đông – Xuân 1964 – 1965, tiêu diệt một bộ phận quan trọng quân chủ lực địch, mở rộng vùng giải phóng.
Ảnh: Quân Giải phóng miền Đông Nam bộ hành quân trong Chiến dịch Đông Xuân.
Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân năm 1968 của quân và dân ta đã giáng một đòn quyết định làm phá sản chiến lược “Chiến tranh cục bộ” của đế quốc Mỹ, buộc chúng phải xuống thang chiến tranh.
Ảnh: Lực lượng Vũ trang Sài Gòn – Gia Định chuẩn bị bước vào Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968.
Chiến thắng Đường 9 - Khe Sanh Quảng Trị tạo bước chuyển mạnh mẽ trên chiến trường Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1968 của quân và dân miền Nam.
Ảnh: Sư đoàn 320 hành quân vào mặt trận Đường 9 – Khe Sanh, năm 1968.
Thắng lợi của Quân Giải phóng ở mặt trận Đường 9 – Nam Lào đập tan mưu đồ cắt đứt đường mòn Hồ Chí Minh, tạo sức mạnh cho Quân đội nhân dân Việt Nam chuẩn bị tấn công giải phóng miền Nam.
Chiến thắng “Điện Biên Phủ trên không” năm 1972 của quân và dân miền Bắc đã góp phần đánh bại hoàn toàn ý chí chiến tranh xâm lược và buộc đế quốc Mỹ trở lại bàn đàm phán, ký kết Hiệp định Paris ngày 27 tháng 01 năm 1973.
Ảnh: Máy bay B52 của Mỹ bị bắn rơi trên bầu trời Hà Nội, tháng 12 năm 1972.
Ngày 03 tháng 12 năm 1973, trận đánh Kho xăng, dầu Nhà Bè của lực lượng Đặc công Rừng Sác gây chấn động trong nước và dư luận thế giới.
Ảnh: Đội Đặc công Rừng Sác (Trung đoàn 4) trước giờ xuất kích tấn công Kho xăng Nhà Bè của địch.
Hiệp định Paris được ký kết nhưng đế quốc Mỹ vẫn ngoan cố, âm mưu chia cắt lâu dài đất nước ta. Hội nghị Bộ Chính trị Trung ương Đảng (tháng 10 năm 1974) quyết định mở cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975.
Ngày 04 tháng 3 năm 1975, Chiến dịch Tây Nguyên được khai hỏa mở đầu cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975; ngày 10 và 11 tháng 3 năm 1975 quân ta tiến công, giải phóng Thị xã Buôn Ma Thuột.
Quân Giải phóng chuẩn bị lực lượng trước giờ tổng công kích vào Sài Gòn – Gia Định với tinh thần “Thần tốc, táo bạo, bất ngờ, chắc thắng”, ngày 26 tháng 4 năm 1975.
Chiến dịch Hồ Chí Minh là đỉnh cao của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975; là chiến dịch hiệp đồng các quân, binh chủng quy mô lớn nhất, giành thắng lợi to lớn nhất; là đỉnh cao của nghệ thuật quân sự Việt Nam, góp phần quyết định thắng lợi cuộc kháng chiến chống Mỹ, thống nhất đất nước.
Ảnh: Xe tăng Quân Giải phóng tiến vào Dinh Độc Lập, trưa ngày 30 tháng 4 năm 1975.
Bắc Nam sum họp – Đất nước trọn niềm vui thống nhất
Tháng 12 năm 1978, dưới sự lãnh đạo của Đảng, quân và dân ta trên tuyến biên giới Tây Nam đã phòng thủ và đánh bại các cuộc tiến công xâm lấn, diệt chủng của tập đoàn phản động Pôn Pốt – Iêngsari, giữ gìn toàn vẹn lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc.
Ảnh: Bộ đội phòng thủ trên tuyến Biên giới Tây Nam, năm 1978.
Với nghĩa tình thủy chung, trong sáng, hàng vạn chiến sĩ Quân tình nguyện Việt Nam đã làm nhiệm vụ quốc tế, giúp nhân dân Campuchia đánh đổ chế độ diệt chủng Pôn Pốt – Iêngsari; hồi sinh, tái thiết đất nước; ngày 07 tháng 01 năm 1979.
Ảnh: Nhân dân Thủ đô Phnôm Pênh (Campuchia) lưu luyến vẫy chào Quân tình nguyện Việt Nam hoàn thành nhiệm vụ trở về Tổ quốc.
Đồng chí Nguyễn Minh Triết, Ủy viên Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, Chủ tịch nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam trao tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng Vũ trang nhân dân lần thứ 2 cho Lực lượng Vũ trang nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh, tại Lễ Kỷ niệm 36 năm Ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 – 30/4/2011) (Ảnh: Hữu Luận)
Đồng chí Nguyễn Minh Triết, Ủy viên Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, Chủ tịch nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam cùng Đồng chí Lê Thanh Hải - Ủy viên Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh trao tặng và chúc mừng các tập thể, cá nhân được tặng thưởng danh hiệu Anh hùng Lực lượng Vũ trang nhân dân, ngày 17 tháng 4 năm 2010 (Ảnh: Hữu Luận).
Đồng chí Lê Thanh Hải, Ủy viên Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh thăm cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn Gia Định, năm 2014. (Ảnh: Thiên Linh)
Đồng chí Lê Hoàng Quân, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh chúc mừng các tân binh lên đường thực hiện nghĩa vụ quân sự đợt 1, năm 2014.
Đồng chí Lê Thanh Hải, Ủy viên Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh dẫn đầu Đoàn Đại biểu Thành ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Thành phố Hồ Chí Minh đến thăm và làm việc tại Quân đoàn 4, ngày 15 tháng 7 năm 2014. Trong ảnh: Đồng chí Võ Văn Thưởng, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh trao tăng Bằng khen và chúc mừng cán bộ, chiến sĩ Quân đoàn 4 có thành tích trong công tác Quốc phòng. (Ảnh: Hà Quốc Thái)
Ngày 30 tháng 3 năm 2014, Đoàn đại biểu Lãnh đạo Thành phố thăm, chúc mừng cán bộ, chiến sĩ Lữ đoàn Tàu ngầm 189 và kíp Tàu ngầm HQ – 183 mang tên Thành phố Hồ Chí Minh, tại Quân cảng Cam Ranh, tỉnh Khánh Hòa. (Ảnh: Xuân Đặng)
Đồng chí Lê Hoàng Quân, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh, trò chuyện, thăm hỏi các chiến sĩ trẻ Trường Sa trong chuyến thăm và làm việc tại quần đảo Trường Sa.
Đồng chí Nguyễn Thị Thu Hà, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, Phó Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh thăm, động viên cán bộ, chiến sĩ Hải quân đang làm nhiệm vụ tại đảo Đá Đông thuộc quần đảo Trường Sa, ngày 24 tháng 4 năm 2014. ( Ảnh: Hữu Luận)
Ngày 28 tháng 01 năm 2014, Đồng chí Nguyễn Văn Đua – Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh thăm, chúc Tết Trung đoàn 917 (Sư đoàn Không quân 370). (Ảnh: Thiên Linh)
Đồng chí Nguyễn Thị Quyết Tâm, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân Thành phố thăm hỏi các hộ dân sống ở đảo Trường Sa Lớn, tháng 4 năm 2012.
Nhà giàn DK là công trình phục vụ công tác quản lý vùng đặc quyền kinh tế thềm lục địa Việt Nam và hỗ trợ cho các hoạt động kinh tế biển.
Đoàn cán bộ và văn nghệ sĩ Thành phố Hồ Chí Minh thăm Nhà giàn DK15.
Buổi giao lưu văn nghệ với đoàn công tác Thành phố Hồ Chí Minh luôn để lại ấn tượng khó quên đối với những người lính đảo.
Đoàn Đại biểu cấp cao Quân đội Hoàng gia Campuchia tham quan Bảo tàng Lực lượng Vũ trang miền Đông Nam bộ, ngày 17 tháng 12 năm 2012. (Ảnh: Thế Anh)
Bộ Tư lệnh Thành phố Hồ Chí Minh tiếp Đoàn Đại biểu cấp cao Quân đội Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào đến thăm và trao đổi kinh nghiệm, năm 2014.
Ngày 01 tháng 3 năm 2014, tàu Hải quân Hàn Quốc Choi Yuong do Đại tá Choi Sung Mok làm Thuyền trưởng đã cập cảng Thành phố Hồ Chí Minh. Chỉ huy tàu đã đến chào xã giao lãnh đạo Ủy ban nhân dân Thành phố, thăm Bộ Tư lệnh Quân khu 7, Bộ Tư lệnh Vùng 2 Hải quân. Trong ảnh: Đại diện các cơ quan của Thành phố Hồ Chí Minh đón Đại tá Choi Sung Mok và thủy thủ đoàn của tàu. (Ảnh: Mạnh Linh)
Thủ trưởng Bộ Tư lệnh Quân khu 7 kiểm tra khí tài, trang thiết bị chuyên môn, sẵn sàng chiến đấu tại Bộ Tư lệnh Thành phố Hồ Chí Minh, ngày 25 tháng 9 năm 2013.
Thủ trưởng Bộ Tham mưu Quân khu 7 kiểm tra trang thiết bị ứng dụng kỹ thuật robot sẵn sàng chiến đấu tại Bộ Tư lệnh Thành phố Hồ Chí Minh, ngày 06 tháng 6 năm 2014.
Trường Trung học Phổ thông Thiếu Sinh Quân Thành phố Hồ Chí Minh tọa lạc tại ấp Bến Đình, xã Nhuận Đức, huyện Củ Chi – Nơi góp phần giáo dục và đào tạo nguồn cán bộ trẻ Lực lượng Vũ trang Thành phố và cả nước.
Ảnh: Nhà trường khen tặng các học viên đạt thành tích cao trong học tập tại Lễ Tổng kết năm học 2013 – 2014
Chiến sĩ mới, hăng hái lên đường nhập ngũ, năm 2014. (Ảnh: Cao Thăng)
Trung đoàn Gia Định thuộc Bộ Tư lệnh Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức Lễ Tuyên thệ cho chiến sĩ mới đợt 1 năm 2014.
Bộ Tư lệnh Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức Lễ ra quân huấn luyện, diễn tập sẵn sàng chiến đấu, ngày 01 tháng 3 năm 2012. (Ảnh: Thế Anh)
Lực lượng Lục quân thuộc Bộ Tư lệnh Thành phố Hồ Chí Minh tham gia huấn luyện xây dựng nề nếp chính quy, năm 2012. (Ảnh: Thế Anh)
Các chiến sĩ Bộ đội Biên phòng Thành phố Hồ Chí Minh luyện tập bảo quản, tháo ráp vũ khí. (Ảnh: Nguyễn Văn Khánh)
Thực hành trinh sát vượt rào, tiếp cận mục tiêu. (Ảnh: Hà Quốc Thái)
Thực hành Tiểu đội phòng ngự trong giao thông hào của chiến sĩ Trung đoàn Gia Định - Bộ Tư lệnh Thành phố Hồ Chí Minh.
Thủ trưởng Bộ Tư lệnh Thành phố Hồ Chí Minh quán triệt nhiệm vụ cho cán bộ, chiến sĩ trong Diễn tập khu vực phòng thủ.
Nhà máy in Quân đội Nhân dân 2 trú đóng tại Quận Phú Nhuận, Thành phố Hồ Chí Minh, là một doanh nghiệp quốc phòng thực hiện nhiệm vụ chính trị, vừa tích cực nâng cao chất lượng hiệu quả sản xuất kinh doanh. Trong ảnh: Công nhân Nhà máy in Quân đội Nhân dân 2 vận hành máy in Báo, tạp chí (Ảnh: Trương Minh Nhựt)
Lực lượng Dân quân Tự vệ Thành phố Hồ Chí Minh tham gia diễn tập phối hợp tác chiến bảo vệ Thành phố. (Ảnh: Võ Văn Hoàng)
Lực lượng Dân quân tự vệ Thành phố Hồ Chí Minh tham gia huấn luyện, sẵn sàng tác chiến trên nhiều địa bàn, bảo vệ an ninh, trật tự an toàn xã hội.
Câu lạc bộ Võ thuật Bộ Tư lệnh Thành phố Hồ Chí Minh biểu diễn ra mắt tại Hội thao Quốc phòng năm 2013 (Ảnh: Thế Anh).
Khối nữ Dân quân tham gia duyệt đội ngũ tại Hội thao quốc phòng năm 2014.
Chương trình giáo dục quốc phòng – an ninh cho học sinh, sinh viên tạo điều kiện cho thế hệ trẻ rèn luyện sẵn sàng thực hiện nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc (Ảnh: Thế Anh).
Lực lượng Dân quân diễn tập thao tác vũ khí tại Hội thao quốc phòng Thành phố Hồ Chí Minh năm 2013 (Ảnh: Thế Anh).
Cuộc đua xe đạp “Xuyên Việt – 2014, cúp Quốc phòng Việt Nam” kỷ niệm 70 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12/1944 – 22/12/2014), 25 Ngày Hội Quốc phòng toàn dân (22/12/1989 – 22/12/2014), chặng quanh Thành phố Hồ Chí Minh, ngày 04 tháng 12 năm 2014. (Ảnh: Quốc Thanh)
Lực lượng Vũ trang và Dân quân tự vệ tham gia giải Việt dã truyền thống Thành phố Hồ Chí Minh mở rộng trên tuyến đường Hoàng Sa và Trường Sa nhân Kỷ niệm 39 năm Ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 – 30/4/2013) (Ảnh: Thế Anh).
Bộ đội Biên phòng Thành phố tuần tra bảo vệ an ninh cửa khẩu khu vực Cảng Sài Gòn. (Ảnh: Hữu Luận)
Bộ đội Biên phòng Thành phố phối hợp lực lượng Công an đường thủy, Dân quân tự vệ thường xuyên tuần tra bảo đảm an ninh vùng biển Cần Giờ, Thành phố Hồ Chí Minh. (Ảnh: Đặng Huyên)
Lực lượng Dân quân Xã Thái Mỹ, Huyện Củ Chi tuần tra trên địa bàn, đảm bảo an ninh trật tự địa phương xây dựng nông thôn mới. (Ảnh: Hữu Luận)
Bộ Tư lệnh Thành phố Hồ Chí Minh trao tặng Nhà Đồng đội cho cán bộ Tiểu đoàn Thiết Giáp thuộc Bộ Tư lệnh Thành phố, ngụ tại Củ Chi có hoàn cảnh khó khăn.
Lễ khởi công xây dựng Nhà Tình nghĩa cho gia đình chính sách tại huyện Củ Chi do Tập đoàn Viễn thông Quân đội Viettel Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức.
Hội Phụ nữ Lực lượng Vũ trang Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức Lễ trao học bổng Nguyễn Thị Minh Khai cho con em cán bộ Hội.
Tình quân dân.
Bộ đội Biên phòng Thành phố Hồ Chí Minh khám bệnh và phát thuốc cho đối tượng chính sách, hộ nghèo vùng sâu vùng xa.
Cùng các chiến sĩ vui Xuân (Ảnh: Hà Quốc Thái).
Các văn nghệ sĩ Thành phố gói quà gửi tặng các chiến sĩ đang ngày đêm canh giữ biển đảo Tổ quốc Việt Nam trong Ngày hội Mùa Xuân biển đảo, năm 2014. (Ảnh: Hữu Luận)
Chiến sĩ Bộ Tư lệnh Thành phố Hồ Chí Minh giúp dân làm đường nông thôn mới.
Cán bộ, chiến sĩ Thành phố thực hiện công tác dân vận, giúp dân thu hoạch hoa màu.
Liên hoan Tuyên truyền viên trẻ do Lực lượng Vũ trang Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức.
Một tiết mục tham gia Liên hoan Đội Tuyên truyền Văn hóa tuyến Biên giới, Biển đảo – Khu vực Nam bộ lần thứ IX năm 2014, do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ Tự lệnh Bộ đội Biên phòng phối hợp tổ chức tại Tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu. (Ảnh: Văn Trước)
Quyết thắng – Lực lượng vũ trang Thành phố Hồ Chí Minh quyết tâm phát huy truyền thống anh hùng, đẩy mạnh xây dựng nền quốc phòng toàn dân, xây dựng Quân đội nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới. (Ảnh: Hà Quốc Thái)
Liên kết website
Điểm đến
Lượt truy cập
Đang online : 7
Lượt truy cập: 595211