Thứ Tư 30/10/2024 15:22 GMT+7

Triển lãm Chủ tịch Hồ Chí Minh trong trái tim bạn bè quốc tế

Ngày đăng: 02/06/2022

{ Ngày 05 tháng 6 năm 1911, từ Bến cảng Sài Gòn, người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành đi tìm đường cứu nước. Với 30 năm bôn ba hoạt động ở nước ngoài qua 3 đại dương, 4 châu lục, gần 30 quốc gia, hàng trăm thành phố, hành trình của Người là hành trình sáng tạo, vĩ đại trong tìm đường, mở đường và dẫn đường cho sự nghiệp giải phóng dân tộc Việt Nam. Ảnh: Hải cảng biển Marseille, nơi Nguyễn Tất Thành lần đầu tiên đặt chân đến Pháp, ngày 06 tháng 7 năm 1911. }

{ Nguyễn Tất Thành làm thuê trên một chiếc tàu của hãng Chargeurs Réunis (Pháp) đi vòng quanh một số nước châu Phi, châu Mỹ, sau đó dừng lại ở nước Mỹ. Tại Mỹ, Người tìm hiểu cuộc đấu tranh giành độc lập của Nhân dân Mỹ và tiếp cận với bản Tuyên ngôn độc lập nổi tiếng trong lịch sử. Ảnh: Khách sạn Omni Parker ở thành phố Boston, Mỹ - nơi Nguyễn Tất Thành làm phụ bếp trong những năm 1912 - 1913. }

{ Tại Vương quốc Anh, Nguyễn Tất Thành làm đủ mọi việc để kiếm sống; đồng thời tham dự những cuộc diễn thuyết của các chính trị gia và nhà triết học, tham gia Hội những người lao động hải ngoại, ủng hộ cuộc đấu tranh yêu nước của Nhân dân Ireland. Ảnh: Nguyễn Tất Thành vừa làm phụ bếp, vừa tự học tiếng Anh tại khách sạn Carlton, phố Haymarket, Thủ đô Luân Đôn, Vương quốc Anh trong những năm 1914 - 1917. }

{ Sau khi trở lại Pháp, Nguyễn Tất Thành hoạt động trong phong trào Việt kiều, phong trào công nhân Pháp và gia nhập Đảng Xã hội Pháp. Thay mặt Hội những người Việt Nam yêu nước tại Pháp, Người cùng Phan Châu Trinh, Phan Văn Trường thảo Bản Yêu sách của nhân dân An Nam gửi tới Hội nghị Versailles gồm tám điểm, bên dưới ký tên Nguyễn Ái Quốc. Ảnh: Trụ sở của Hội những người Việt Nam yêu nước tại Pháp tọa lạc ở nhà số 6 phố Villa Des Gobelins, Quận 13, Paris, nơi Nguyễn Ái Quốc cư ngụ từ tháng 7 năm 1919 đến tháng 7 năm 1921. }

{ Nhà số 9, ngõ Compoint, Quận 17, Paris - nơi đồng chí Nguyễn Ái Quốc ở trọ trong thời kỳ hoạt động ở Pháp từ năm 1921 - 1923. }

{ Nhà số 16 phố Jacques Cacllot, Quận 6, Paris, trụ sở đầu tiên của Hội Liên hiệp Thuộc địa. Đây cũng là trụ sở đầu tiên của Báo Le Paria (Người cùng khổ) - cơ quan ngôn luận của Hội do Nguyễn Ái Quốc làm chủ biên kiêm chủ nhiệm và phụ trách tài chính. }

{ Đêm 13 tháng 6 năm 1923, từ Pháp, Nguyễn Ái Quốc bí mật sang Liên Xô. Trên quê hương của Cách mạng tháng Mười Nga vĩ đại, Người sống, học tập trong tinh thần đoàn kết thân ái và giúp đỡ của những người Cộng sản Quốc tế. Ảnh: Khách sạn Lux ở số 10 phố Tverskaya (nay là khách sạn Centralnaya), Matxcơva, nơi Nguyễn Ái Quốc đã ở và tự học năm 1923 - 1924. }

{ Với lập trường yêu nước đúng đắn, Nguyễn Ái Quốc đã vạch ra chân lý: “Muốn cứu nước và giải phóng dân tộc không có con đường nào khác con đường cách mạng vô sản”, Người kết nối những người Việt Nam yêu nước và ra sức truyền bá Chủ nghĩa Mác - Lênin để thúc đẩy phong trào công nhân cũng như phong trào yêu nước ở Việt Nam. Ảnh: Nhà số 13 và 13/1 đường Văn Minh, Quảng Châu (Trung Quốc) là trụ sở Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên do Nguyễn Ái Quốc sáng lập năm 1925. Đây cũng là nơi Người thành lập Trường huấn luyện chính trị cho các lớp cán bộ đầu tiên của Đảng Cộng sản Việt Nam. }

{ Trụ sở của Quốc tế Cộng sản tại Matxcơva - nơi đồng chí Nguyễn Ái Quốc ở và làm việc khi Người trở lại Liên Xô, tháng 6 năm 1927. }

{ Nhà cố Thuyên, Việt kiều ở Sacôn, Xiêm - một cơ sở cách mạng mà đồng chí Nguyễn Ái Quốc thường lui tới trong thời gian công tác ở Xiêm, năm 1928 - 1929. }

{ Nhà hợp tác tại Nakhôn Phanom, Thái Lan - địa điểm đồng chí Nguyễn Ái Quốc đã sống, làm việc và vận động phong trào yêu nước của kiều bào Việt Nam ở Thái Lan từ năm 1928 - 1929. }

{ Sau khi chủ trì Hội nghị hợp nhất các tổ chức cộng sản thành một Đảng duy nhất - Đảng Cộng sản Việt Nam, Nguyễn Ái Quốc quay lại Thái Lan và một số nước rồi trở về Trung Quốc theo chỉ thị của Quốc tế Cộng sản. Tại đây, Nguyễn Ái Quốc (bí danh Tống Văn Sơ) bị vu cáo làm tay sai của Liên Xô, có âm mưu phá hoại chính quyền Hong Kong nên bị bắt giam trong nhà tù của đế quốc Anh ở Hong Kong. Ảnh: Nhà tù Victoria, Hong Kong - nơi giam giữ đồng chí Nguyễn Ái Quốc từ tháng 6 năm 1931 đến cuối năm 1932. }

{ Với sự giúp đỡ của một luật sư tiến bộ người Anh - F.H. Loseby, Nguyễn Ái Quốc được thả tự do và trở lại Liên Xô. Ảnh: Trường Đại học Quốc tế Lênin, số 25 phố Vorop Xkova, Matxcơva, nơi Nguyễn Ái Quốc (bí danh là Lin) học tập và bồi dưỡng lý luận trong những năm 1934 - 1936. }

{ Tại Liên Xô, Nguyễn Ái Quốc là 01 trong 21 người được tuyển chọn vào lớp nghiên cứu chuyên ngành lịch sử do Viện Nghiên cứu các vấn đề dân tộc và thuộc địa tổ chức, nhằm đào tạo giảng viên có trình độ cao cho Viện. Ảnh: Viện Nghiên cứu các vấn đề dân tộc và thuộc địa ở Matxcơva, nơi Nguyễn Ái Quốc đã học tập và làm việc từ năm 1936 - 1938. }

{ Trước khi trở về nước trực tiếp lãnh đạo cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, theo đề nghị của Quốc tế Cộng sản, đồng chí Nguyễn Ái Quốc đến Trung Quốc qua Urumsi, Lan Châu, Tây An, Diên An, Quảng Tây. Người làm việc tại Văn phòng Bát lộ quân với tên gọi Hồ Quang, cấp bậc Thiếu tá; đồng thời tìm cách liên lạc với người trong nước sang. Ảnh: Di tích phòng đọc sách tại Văn phòng Bát lộ quân ở số 96, đường Trung Sơn Bắc, thành phố Quế Lâm (Quảng Tây, Trung Quốc), nơi đồng chí Nguyễn Ái Quốc đọc sách và viết bài gửi Cứu vong Nhật báo với bút danh Bình Sơn, năm 1940. }

{ Ngày 31 tháng 5 năm 1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh lên đường thăm Cộng hòa Pháp theo lời mời của Chính phủ Pháp trong thời gian hơn 4 tháng (từ 31/5/1946 đến 20/10/1946). Với phong cách chân thành, thiện chí cởi mở, khiêm tốn, giản dị và trọng nghĩa, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã để lại những ấn tượng tốt đẹp cùng sự kính trọng, tin tưởng của Nhân dân Pháp đối với Người. Ảnh: Việt kiều và Nhân dân Thủ đô Paris chào đón Chủ tịch Hồ Chí Minh khi Người đến Pháp, tháng 6 năm 1946. }

{ Kể từ năm 1954 đến 1975, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có 5 lần xuất hiện trên trang bìa Tạp chí Time danh tiếng của Mỹ và được bình chọn là một trong 100 nhân vật có ảnh hưởng lớn nhất trong thế kỷ XX. Ảnh: Chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh xuất hiện lần đầu tiên trên trang bìa Tạp chí Time, số ra ngày 22 tháng 11 năm 1954 với chủ đề “Indochina’s Ho Chi Minh“ (tạm dịch: “Hồ Chí Minh của Đông Dương“).}

{ Chủ tịch Hồ Chí Minh có công xây dựng tình đoàn kết, hợp tác, hữu nghị giữa Việt Nam với các nước láng giềng và quốc tế cùng chiến đấu vì sự công bằng, hòa bình và tiến bộ của các dân tộc. Ảnh: Chủ tịch Hồ Chí Minh được đón chào khi đến thăm thành phố Novosibirsk, mở đầu chuyến thăm hữu nghị chính thức Liên Xô (nay là Liên bang Nga), ngày 10 tháng 7 năm 1955. }

{ Chủ tịch Hồ Chí Minh đến thăm và nói chuyện với hơn 30.000 công nhân Khu Công nghiệp Vysocina nhân dịp Người sang thăm hữu nghị chính thức nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Tiệp Khắc (nay là Cộng hòa Séc), ngày 17 tháng 7 năm 1957. }

{ Trong quá trình hoạt động cách mạng, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn để lại ấn tượng sâu sắc trong lòng bạn bè thế giới và nhận được sự ủng hộ lớn lao, cũng như tình cảm nồng ấm của Nhân dân các nước. Ảnh: Lãnh đạo Đảng, Nhà nước Ba Lan cùng đông đảo người dân Thủ đô Warszawa nhiệt liệt chào mừng Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đoàn đại biểu Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa thăm chính thức Ba Lan, ngày 21 tháng 7 năm 1957. }

{ Chủ tịch Hồ Chí Minh được đón tiếp nồng nhiệt tại sân bay Matxcơva trong chuyến thăm Liên Xô, tháng 8 năm 1957. }

{ Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm một gia đình công nhân ở Thủ đô Budapest trong chuyến thăm hữu nghị đầu tiên tới nước Cộng hòa nhân dân Hungary, tháng 8 năm 1957. }

{ Đông đảo Nhân dân Thủ đô Sofia nồng nhiệt chào mừng Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm hữu nghị chính thức Bulgaria, tháng 8 năm 1957. }

{ Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng Nhân dân Thủ đô Hà Nội đón chào đồng chí Kliment Voroshilov, Chủ tịch Đoàn Chủ tịch Xô viết tối cao Liên Xô đến thăm Việt Nam, năm 1957. }

{ Ngày 07 tháng 01 năm 1958, Đoàn đại biểu Đảng Cộng sản Pháp do đồng chí Jannét Vécmét Tôrê, Ủy viên Bộ Chính trị Đảng Cộng sản dẫn đầu thăm hữu nghị chính thức nước ta. Ảnh: Chủ tịch Hồ Chí Minh chứng kiến lễ ký kết Tuyên bố chung giữa Đoàn đại biểu Đảng Lao động Việt Nam và Đoàn đại biểu Đảng Cộng sản Pháp, ngày 23 tháng 01 năm 1958. }

{ Chủ tịch Hồ Chí Minh dẫn đầu Đoàn đại biểu Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa thăm hữu nghị chính thức nước Cộng hòa Ấn Độ. Chuyến đi nhằm thắt chặt hơn nữa tình hữu nghị giữa hai nước, đồng thời tăng cường tình đoàn kết giữa các dân tộc Á - Phi và lực lượng gìn giữ hòa bình thế giới, tháng 02 năm 1958. }

{ Chủ tịch Hồ Chí Minh và Phó Thủ tướng Phan Kế Toại trong Đoàn đại biểu Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa nhận hoa chào mừng của thiếu nhi Miến Điện, tháng 02 năm 1958. }

{ Chủ tịch Hồ Chí Minh là một nhân vật được yêu thích khắp năm châu không chỉ bởi tài năng lỗi lạc mà còn bởi phẩm chất đạo đức trong sáng, đẹp đẽ, kết tinh những giá trị tốt đẹp của văn hóa truyền thống dân tộc trải qua hàng ngàn năm lịch sử. Ảnh: Chủ tịch Hồ Chí Minh hòa nhịp cùng các thanh niên Kazakhstan trong vũ điệu dân tộc, tháng 7 năm 1959. }

{ Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đến nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ. Mỗi nơi đặt chân tới, Người đều để lại niềm thương yêu quý trọng chân thành, đặc biệt là đối với thiếu niên nhi đồng, mà theo Chủ tịch Hồ Chí Minh - đó là thế hệ kế tục quyết định thành công của Cách mạng Xã hội chủ nghĩa. Ảnh: Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm Trại hè thiếu nhi của con em cán bộ, công nhân ngành thực phẩm Armenia ở Liên Xô, ngày 22 tháng 7 năm 1959. }

{ Sau ngày Bác mất, Báo L’Humanité (Nhân đạo) số ra ngày 04/9/1969 đăng điện chia buồn của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Pháp gửi Ban Chấp hành Trung ương Đảng Lao động Việt Nam về việc Chủ tịch Hồ Chí Minh từ trần. }

{ Kỷ niệm 20 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Pháp (1973 - 1993), Tổng thống Cộng hòa Pháp Francois Mitterrand đã có chuyến thăm lịch sử tới Việt Nam và thăm Khu Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch, ngày 10 tháng 02 năm 1993. }

{ Nơi ở và làm việc của Bác Hồ tại Phủ Chủ tịch luôn là nơi hội tụ tình cảm của bạn bè và Nhân dân thế giới đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ảnh: Thủ tướng Ấn Độ P.V.Narasimha Rao tham quan Khu Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch, ngày 06 tháng 9 năm 1994. }

{ Tổng thống Nga Vladimir Putin lưu bút trong Sổ vàng của Khu Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch nhân chuyến thăm Việt Nam, tháng 02 năm 2001. }

{ Đồng chí Raul Castro, Bí thư thứ Hai Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản, Phó Chủ tịch thứ Nhất Hội đồng Nhà nước và Hội đồng Bộ trưởng nước Cộng hòa Cu Ba thăm ngôi nhà nơi Bác mất, ngày 27 tháng 4 năm 2005. }

{ Quốc vương Campuchia Norodom Sihamoni lưu bút tại Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch, ngày 18 tháng 3 năm 2006. }

{ Tổng thống Venezuela Hugo Chavez lưu bút tại Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch, ngày 01 tháng 8 năm 2006. }

{ Thủ tướng nước Cộng hòa Thống nhất Tazania Edward Ngoyai Lowassa và Phu nhân lưu bút tại Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch, ngày 06 tháng 9 năm 2006. }

{ Chủ tịch Quốc hội nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào Thongsing Thammavong trân trọng lưu bút trong Sổ vàng của Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch nhân chuyến thăm Việt Nam, ngày 21 tháng 11 năm 2006. }

{ Thủ tướng nước Sri Lanka Ratnasiri Wickremanayake lưu bút tại Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch, ngày 28 tháng 11 năm 2006. }

{ Cựu Tổng thống Mỹ Bill Clinton ghi cảm tưởng tại Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh, ngày 06 tháng 12 năm 2006. }

{ Tổng thống Mozambique Armando Emilio Guebuza và đoàn đại biểu thăm Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch, ngày 17 tháng 01 năm 2007. }

{ Tổng thống nước Cộng hòa Hungary Solyom Laszlo thăm Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch, ngày 18 tháng 5 năm 2008. }

{ Chủ tịch Quốc hội Hàn Quốc Kim Hyong O và Phu nhân lưu bút tại Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch, ngày 17 tháng 11 năm 2009. }

{ Bảng trích: Cảm tưởng của khách quốc tế tham quan Khu di tích Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch, Hà Nội. }

{ Chủ tịch Hồ Chí Minh không chỉ là vị lãnh tụ kính yêu của Nhân dân Việt Nam mà còn là nhà lãnh đạo, người anh hùng giải phóng dân tộc được Nhân dân thế giới ngưỡng mộ với tình cảm chân thành. Nhiều nơi trên thế giới từ châu Á, châu Âu đến châu Phi, châu Mỹ đã dựng tượng đài tưởng nhớ Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ảnh: Đồng chí Nguyễn Thị Kim Ngân, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam dâng hoa tại Tượng đài Bác Hồ ở Công viên Montreau, Thành phố Montreuil, Pháp, năm 2019. }

{ Nước Nga, nơi in đậm dấu ấn những năm tháng hoạt động cách mạng của Bác có nhiều công trình mang tên Hồ Chí Minh. Quảng trường Hồ Chí Minh và Tượng đài vị lãnh tụ kính yêu của dân tộc Việt Nam giữa lòng Thủ đô nước Nga mãi mãi là một công trình vĩ đại, ngọn lửa của tình hữu nghị Việt Nam - Liên bang Nga. }

{ Bia tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Công viên Bảo tàng Văn minh châu Á, bên bờ sông Singapore, nơi Bác đã đến năm 1933. }

{ Tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Trường trung học Hồ Chí Minh, Thủ đô Ulanbato, Mông Cổ. Tại đây còn trưng bày nhiều tài liệu, hiện vật về cuộc đời hoạt động cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, về mối quan hệ hợp tác, hữu nghị giữa hai nước Việt Nam - Mông Cổ. }

{ Lễ khánh thành Tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh trong Công viên “Tự do cho các dân tộc” tại Trung tâm lịch sử của Thủ đô Mexico, ngày 16 tháng 01 năm 2009. }

{ Tượng Chủ tịch Hồ Chí Minh đặt trong công viên mang tên Người ở Thủ đô Antananarivo, Madagasca. Phía bên dưới có tấm biển đồng khắc câu nói nổi tiếng của Người: "Không có gì quý hơn độc lập, tự do". }

{ Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh chưa có dịp đến thăm Cu Ba, nhưng Nhân dân Cu Ba đã dành rất nhiều tình cảm trân quý cho Người. Đặc biệt, tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh được đặt tại trung tâm Công viên Hòa bình trên Đại lộ 26, một trong những con đường lớn nhất tại Thủ đô La Habana. Công viên này được người dân La Habana trìu mến gọi là công viên Hồ Chí Minh. }

{ Suốt cuộc đời hoạt động cách mạng, thông điệp về tình hữu nghị, đoàn kết quốc tế luôn được Chủ tịch Hồ Chí Minh thể hiện một cách rõ ràng và vững chắc. Người luôn bày tỏ sự ghi nhận và biết ơn những đóng góp to lớn, quý báu cả về tinh thần lẫn vật chất của bạn bè quốc tế. Đó cũng là biểu hiện của truyền thống đoàn kết, thủy chung, trọng tình trọng nghĩa của dân tộc Việt Nam, mà Chủ tịch Hồ Chí Minh là hiện thân cao đẹp nhất. Ảnh: Đài tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh được dựng năm 1976 tại công viên thành phố Zalaegerszey, Hungary. }

 

 

 

Liên kết website
Điểm đến
Lượt truy cập
Đang online : 8
Lượt truy cập: 1236626