Thứ Năm 10/10/2024 07:20 GMT+7

Triển lãm Tri ân các Anh hùng, liệt sĩ Thành phố Hồ Chí Minh tự hào tiếp bước

Ngày đăng: 26/07/2022
Trong hai cuộc kháng chiến vĩ đại chống quân xâm lược, giành độc lập, thống nhất đất nước đã xuất hiện nhiều tấm gương anh hùng hào kiệt, kiên trung không tiếc máu xương, sẵn sàng hy sinh vì Tổ quốc. Tên tuổi của các vị anh hùng đã được lưu vào những trang vàng lịch sử của dân tộc.Ảnh: Đồng chí Trần Phú (1904 - 1931), Tổng Bí thư đầu tiên của Đảng Cộng sản Việt Nam, người chiến sĩ kiên cường, mẫu mực suốt đời chiến đấu cho sự nghiệp giải phóng dân tộc. Trước lúc hy sinh, đồng chí Trần Phú nhắn gửi đồng chí, đồng bào lời nói bất hủ: "Hãy giữ vững chí khí chiến đấu".
Đồng chí Lê Hồng Phong (1902 - 1942), Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam giai đoạn từ tháng 3/1935 đến tháng 10/1936, một trong những học trò đầu tiên của Chủ tịch Hồ Chí Minh, được Người giác ngộ đi theo chủ nghĩa Mác - Lênin và cách mạng vô sản. Năm 1940, đồng chí Lê Hồng Phong bị bắt và giam tại Khám Lớn Sài Gòn, rồi bị đày ra Côn Đảo. Trước những đòn tra tấn dã man, liên tục của địch, đồng chí vẫn nêu cao ý chí cách mạng, không khai báo một lời.
Đồng chí Hà Huy Tập (1906 - 1941), Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam giai đoạn từ tháng 10/1936 đến tháng 3/1938, người cộng sản kiên trung dâng hiến trọn tuổi xuân cho cách mạng, cho sự nghiệp vẻ vang của Đảng, của dân tộc. Ngày 28 tháng 8 năm 1941, đồng chí Hà Huy Tập bị thực dân Pháp tử hình tại Bà Điểm, huyện Hóc Môn, tỉnh Gia Định khi mới 35 tuổi.
Đồng chí Nguyễn Văn Cừ (1912 - 1941), Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam giai đoạn từ tháng 3/1938 đến tháng 01/1940, là chiến sĩ cộng sản ưu tú, nhà lãnh đạo xuất sắc của Đảng và cách mạng Việt Nam, người có tầm nhìn chiến lược về lý luận xây dựng Đảng, một tấm gương cao đẹp về đạo đức cách mạng. Ngày 28 tháng 8 năm 1941, đồng chí cùng nhiều cán bộ lãnh đạo cách mạng hy sinh tại Ngã Ba Giồng, xã Tân Thới Nhất, huyện Hóc Môn, tỉnh Gia Định.
Đồng chí Võ Văn Tần (1894 - 1941) - người chiến sĩ cộng sản kiên cường, quả cảm, giữ trọn lời thề trung thành với Đảng, với cách mạng và Nhân dân, bình thản đón nhận sự hy sinh vẻ vang. Trước khi ra pháp trường, đồng chí Võ Văn Tần đã để lại di bút trên tường xà lim “Thà mình chết, không khi nào mình giết chết phong trào cách mạng”.
Đồng chí Phan Đăng Lưu (1902 - 1941), nhà lãnh đạo cách mạng có tầm nhìn xa trông rộng, người chiến sĩ mẫu mực, kiên cường, có lòng yêu nước, thương dân, đấu tranh vì nền độc lập của dân tộc.
Anh hùng liệt sĩ Nguyễn Thị Minh Khai (1910 - 1941) - nữ chiến sĩ cộng sản kiên trung tham gia lãnh đạo cuộc Khởi nghĩa Nam Kỳ năm 1940. Trước khi hy sinh, đồng chí đã để lại những dòng bút tích ở bót Catinat: “Vững chí bền gan ai hỡi ai; Kiên tâm giữ dạ mới anh tài; Thời cuộc đẩy đưa người chiến sĩ; Con đường cách mạng lắm chông gai”.
Người thanh niên Lý Tự Trọng (1914 - 1931), tên thật là Lê Hữu Trọng - biểu tượng sinh động của thanh niên Việt Nam trên con đường dấn thân cứu nước. Khi bị bắt và xử án, Lý Tự Trọng đã trả lời đanh thép trước tòa án kẻ thù: “Con đường của thanh niên chỉ có thể là con đường cách mạng và không thể là con đường nào khác”.
Anh hùng liệt sĩ Nông Văn Dền (1929 -1943), tức Kim Đồng, tham gia cách mạng từ nhỏ, đội trưởng đầu tiên của Đội Thiếu niên nhi đồng cứu quốc làng Nà Mạ (tỉnh Cao Bằng). Kim Đồng đã anh dũng hy sinh khi cùng đồng đội làm nhiệm vụ giao liên, đưa đón Việt Minh và chuyển thư lúc 14 tuổi. Ảnh: Tượng của Anh hùng liệt sĩ Nông Văn Dền được dựng tại thôn Nà Mạ, xã Trường Hà, huyện Hà Quảng, tỉnh Cao Bằng.
Liệt sĩ Trần Văn Ơn (1931 - 1950) là thành viên chủ chốt trong phong trào học sinh yêu nước của trường Pétrus Ký (nay là trường Trung học phổ thông Lê Hồng Phong, Quận 5, Thành phố Hồ Chí Minh). Ngày 09 tháng 01 năm 1950, lính Pháp nổ súng vào cuộc biểu tình của học sinh, anh Trần Văn Ơn đã dũng cảm che chở cho các bạn chạy thoát và anh dũng hy sinh. Sự kiện này đã đi vào lịch sử và ngày 09 tháng 01 hàng năm trở thành Ngày Truyền thống Học sinh, Sinh viên Việt Nam.
Nữ Anh hùng liệt sĩ Võ Thị Sáu (1933 - 1952), chiến sĩ công an xung phong huyện Đất Đỏ, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã anh dũng hy sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp. Đồng chí Võ Thị Sáu là nữ Anh hùng lực lượng vũ trang trẻ nhất Việt Nam.
Anh hùng liệt sĩ Bế Văn Đàn (1931 - 1953) xung phong lấy vai làm giá súng cho đồng đội tiêu diệt quân thù trong Chiến dịch Đông Xuân 1953 - 1954. Sự hy sinh của Đồng chí Bế Văn Đàn đã trở thành tấm gương tiêu biểu trong Quân đội nhân dân Việt Nam thời kỳ kháng chiến chống Pháp.

Anh hùng Tô Vĩnh Diện (1924 - 1953) dũng cảm lấy cơ thể chèn vào bánh pháo để không cho khẩu pháo cao xạ 37mm lăn xuống vực khi kéo pháo vào trận địa Điện Biên Phủ.
Anh hùng liệt sĩ Phan Đình Giót (1922 - 1954) lấy thân mình lấp lỗ châu mai cho đồng đội tiến lên tiêu diệt hỏa lực địch trong Chiến dịch Điện Biên Phủ. Hình ảnh của đồng chí sáng ngời khí thế tiến công của người chiến sĩ cách mạng.
Trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, hàng nghìn người đã ngã xuống khi tuổi đời còn rất trẻ, sự hy sinh anh dũng và tên tuổi của họ trở thành bất tử. Ảnh: Anh hùng liệt sĩ Trần Văn Chẩm (1947 - 1962), với tinh thần quả cảm, lòng yêu nước nồng nàn, sẵn sàng chiến đấu hy sinh khi đang là Đội viên thiếu niên du kích huyện Củ Chi. Năm 1995, liệt sĩ Trần Văn Chẩm được Nhà nước truy tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.
Nữ liệt sĩ Quách Thị Trang (1948 - 1963) là nữ sinh trẻ nhất của Sài Gòn hy sinhtrong cuộc biểu tình của hơn 5.000 học sinh, sinh viên chống chế độ độc tài Ngô Đình Diệm trước chợ Bến Thành, ngày 25 tháng 8 năm 1963.
Anh hùng liệt sĩ Nguyễn Văn Trỗi (1940 - 1964) tham gia Biệt động thành khi gia đình chuyển vào Sài Gòn. Khi ra pháp trường, anh Nguyễn Văn Trỗi đã hiên ngang, bất khuất trước mũi súng kẻ thù, trở thành tấm gương sáng ngời chủ nghĩa anh hùng cách mạng của thanh niên công nhân Việt Nam.
“Nhằm thẳng quân thù mà bắn” - hiệu lệnh của chiến sĩ Nguyễn Viết Xuân (1933 - 1964) như tiếng kèn xung trận của những năm tháng sục sôi đánh Mỹ còn âm vang mãi trong thế hệ trẻ Việt Nam.


Anh hùng Hồ Hảo Hớn (1926 - 1967), Bí thư đầu tiên của Khu Đoàn Sài Gòn - Gia Định (nay là Đoàn Thanh niên Cộng sản Việt Nam Thành phố Hồ Chí Minh), là chiến sĩ cách mạng kiên trung, hoạt động và chiến đấu trong lòng địch, dành cả tuổi thanh xuân phụng sự dân tộc, giữ vững lòng trung thành với Đảng, với cách mạng, chiến đấu đến hơi thở cuối cùng.
Anh hùng liệt sĩ Nguyễn Thị Suốt (1908 - 1968), người đã chèo thuyền đưa bộ đội qua sông Nhật Lệ, Quảng Bình vào Nam chiến đấu chống Mỹ, cứu nước. Mẹ hy sinh ngày 13 tháng 10 năm 1968. Ảnh: Đại tướng Võ Nguyên Giáp thăm hỏi mẹ Nguyễn Thị Suốt tại Đại hội Anh hùng, chiến sĩ thi đua toàn quốc, ngày 28 tháng 12 năm 1966.
Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Lê Thị Riêng (1925 - 1968), nguyên là Khu ủy viên, Trưởng Ban Phụ nữ vận Khu ủy Sài Gòn - Gia Định. Trước lúc anh dũng hy sinh, đồng chí hô vang: “Tôi sẽ chiến đấu cho hạnh phúc không tan, cho con sớm gần mẹ, cho người người không còn tang tóc, chia ly…”. Sự hy sinh của nữ anh hùng đã làm cho Nhân dân yêu chuộng hòa bình và phụ nữ tiến bộ trên thế giới phẫn nộ, lên án tội ác chiến tranh.
Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Nguyễn Thị Út (1931 - 1968), tức chị Út Tịch - người phụ nữ miền Nam anh hùng, bất khuất, trung hậu, đảm đang đã khẳng định tinh thần đấu tranh anh dũng của quân dân miền Nam qua câu nói bất hủ: “Còn cái lai quần cũng đánh. Đánh giặc để đời con khỏi khổ”.
Nhà thơ, liệt sĩ Lê Anh Xuân (1940 - 1968), tên thật là Ca Lê Hiến, tác giả bài thơ Dáng đứng Việt Nam - một trong những bài thơ tiêu biểu viết về người lính Quân đội nhân dân Việt Nam. Nhà thơ Lê Anh Xuân hy sinh trong một trận càn của quân đội Mỹ.
Liệt sĩ, bác sĩ Đặng Thùy Trâm (1942 - 1970) xông pha trong gian khổ, không quản ngại khó khăn để chăm sóc cho thương bệnh binh và đồng bào vùng kháng chiến với tâm hồn lạc quan, yêu đời đã trở thành tấm gương sáng cho thế hệ trẻ Việt Nam noi theo.
Liệt sĩ Nguyễn Văn Thạc (1952 - 1972) - người chiến sĩ cách mạng, thanh niên trí thức yêu nước, chiến đấu đến cùng vì độc lập, tự do của dân tộc. Tên tuổi anh gắn liền với hình mẫu thanh niên tiên tiến, sống trách nhiệm, mẫu mực, là tấm gương cho thế hệ trẻ noi theo với phương châm “Sống một ngày cũng phải sống cho đàng hoàng”.
Phát huy truyền thống “Bộ đội Cụ Hồ” và thực hiện lời dạy của Bác “Thương binh tàn nhưng không phế”, trong những năm qua, nhiều tấm gương thương binh, bệnh binh, gia đình có công với cách mạng trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh đã không ngừng nỗ lực vượt qua khó khăn, ổn định cuộc sống, vươn lên làm giàu, tích cực tham gia phát triển kinh tế - văn hóa - xã hội địa phương. Ảnh: Đồng chí Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh cùng đồng chí Nguyễn Thị Lệ, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh trao Bằng khen Gia đình truyền thống tiêu biểu tặng gia đình ông Nguyễn Văn Niệm, khu phố 7, thị trấn Nhà Bè, huyện Nhà Bè, ngày 28 tháng 6 năm 2020.
Đồng chí Trần Lưu Quang, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh thăm, chúc mừng Phó Giáo sư, Tiến sĩ, Anh hùng Lao động Lý Hòa, thương binh 2/4 đã có nhiều đóng góp cho nền giáo dục nước nhà nhân Ngày Nhà giáo Việt Nam, ngày 20 tháng 11 năm 2020.
Với những đóng góp tích cực cho xã hội, trong đợt trao tặng Huy hiệu Đảng ngày 19 tháng 5 năm 2022, gia đình Đại tá Trần Thăng Phúc, 94 tuổi, ngụ tại Phường 12, Quận 5 vinh dự có 3 người được trao tặng Huy hiệu Đảng: Đại tá Trần Thăng Phúc nhận Huy hiệu 75 năm tuổi Đảng; bà Hoàng Thị Thường, vợ Đại tá - nhận Huy hiệu 65 năm tuổi Đảng và con gái Trần Thị Hoàng Châu nhận Huy hiệu 40 năm tuổi Đảng. Ảnh: Đồng chí Nguyễn Thị Lệ, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh trao Huy hiệu 75 năm tuổi Đảng cho Đại tá Trần Thăng Phúc, ngày 19 tháng 5 năm 2022.
Đồng chí Nguyễn Thị Lệ, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh trao Huy hiệu 75 năm tuổi Đảng cho đồng chí Nguyễn Kỳ Cẩm, ngụ phường Võ Thị Sáu, Quận 3 đã có nhiều đóng góp cho sự nghiệp cách mạng và xây dựng địa phương ngày càng phát triển vững mạnh, là tấm gương cho các thế hệ học tập, ngày 19 tháng 5 năm 2022.
Ông Võ Thiết Mộc, Chi hội trưởng Chi hội Cựu chiến binh ấp Bến Đình, xã Nhuận Đức, huyện Củ Chi nhận Bằng khen của Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh vì đã có thành tích trong công tác tuyên truyền, vận động Nhân dân hiến đất mở rộng hẻmtừ năm 2000 đến nay, ngày 14 tháng 7 năm 2022.

Đại tá, nhà báo Trần Thế Tuyển, Chủ tịch Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ Thành phố Hồ Chí Minh - điển hình thương binh tiêu biểu tham gia trao tặng học bổng cho con em liệt sĩ, ngày 10 tháng 7 năm 2020.
Ông Hoàng Văn Thanh, thương binh 1/4, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh phường Tân Quy, Quận 7 có nhiều đóng góp tích cực cho địa phương, được tuyên dương gương điển hình tiên tiến về học tập và làm theo lời Bác năm 2022. Ảnh: Ông Hoàng Văn Thanh (thứ 5 từ trái qua) trao quà cho thanh niên nhập ngũ Quận 7 năm 2022.

Ông Trần Đình Thành (thứ 4 từ trái qua), thương binh 4/4, bị nhiễm chất độc hóa học 60%, vẫn luôn tích cực, nhiệt tình, đi đầu trong các hoạt động tại khu phố cùng các hội viên Hội Cựu chiến binh Quận 12 tại Lễ kỷ niệm Ngày Truyền thống Trung đoàn Gia Định.
Ông Nguyễn Ngọc Đức, ngụ phường Bình Trị Đông, quận Bình Tân thương binh 4/4, ròng rã 8 năm vớt rác trên dòng kênh Chiến Lược, góp phần hồi sinh dòng kênh đen, bảo vệ môi trường Thành phố.

 

Ông Võ Văn Dữ (thứ 4 từ trái qua), thương binh 4/4, ngụ xã Qui Đức, huyện Bình Chánh, là điển hình thương binh tiêu biểu, tham gia Lễ ra quân tổng vệ sinh môi trường chào mừng 47 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2022), ngày 24 tháng 4 năm 2022.

 

 

 

Bà Nguyễn Thị Kim Dung (bìa trái), thương binh 3/4, vợ liệt sĩ, ngụ Phường 11, quận Phú Nhuận nhiều năm liền tích cực đóng góp cho quỹ xã hội của Quận và Phường, được Thành phố tuyên dương gương điển hình tiên tiến về học tập và làm theo lời Bác.
Bà Đỗ Thị Kim An, vợ liệt sĩ, ngụ tại Phường 13, quận Phú Nhuận, Bà luôn gương mẫu trong việc vận động Nhân dân nâng cấp hẻm, gắn camera an ninh khu phố, được quận Phú Nhuận đề nghị khen thưởng gia đình có công với cách mạng. Ảnh: Bà Đỗ Thị Kim An (bìa trái) tham gia tổng vệ sinh khu phố thực hiện Cuộc vận động“Người dân Thành phố Hồ Chí Minh không xả rác ra đường và kênh rạch, vì Thành phố sạch và giảm ngập nước”.
Trong thời điểm Thành phố Hồ Chí Minh căng mình chống dịch COVID-19, với tinh thần “chống dịch như chống giặc”, nhiều gương thương binh, cựu chiến binh đã xung phong vào “điểm nóng”, cùng lực lượng tuyến đầu tham gia phòng, chống dịch. Ảnh: Hội Cựu Chiến binh xã Hòa Phú, huyện Củ Chi cùng Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội địa phương thực hiện “Gian hàng 0 đồng” chia sẻ yêu thương đến những hộ nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn xã.
Hội viên Hội Cựu Chiến binh tham gia cùng các lực lượng trực chốt bảo vệ “Vùng xanh an toàn”, phòng, chống dịch COVID-19 tại hẻm 118 Bạch Đằng, Phường 24, quận Bình Thạnh.
Ông Hà Văn Mum, Chủ tịch Hội Cựu Chiến binh Phường 16, Quận 8 vận chuyển gạo hỗ trợ người dân khu phố gặp khó khăn do dịch COVID-19.

 

Thương binh Trần Văn Hỏn, Chi hội trưởng Chi hội Cựu Chiến binh ấp Tây, xã Tân An Hội, huyện Củ Chi tích cực tham gia tuyên truyền phòng, chống dịch COVID-19 tại địa phương.
Với truyền thống “Uống nước nhớ nguồn”, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh luôn tôn vinh và tri ân những gia đình cách mạng tiếp nối truyền thống cha anh, tích cực tham gia xây dựng phát triển đất nước. Ảnh: Đồng chí Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh và đồng chí Nguyễn Thị Lệ, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh trao Bằng khen cho các gia đình truyền thống tiêu biểu năm 2020 nhân Ngày Gia đình Việt Nam 28/6.
Đồng chí Nguyễn Thị Quyết Tâm, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh cùng đồng chí Tô Thị Bích Châu, Ủy viên Ban Thường vụ, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Thành phố Hồ Chí Minh tuyên dương điển hình “Gương trọn nghĩa, vẹn tình cùng thương binh vượt khó”, ngày 25 tháng 7 năm 2017.
Đồng chí Lê Thanh Liêm, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh trao Bằng khen cho các thương binh vượt khó tại Hội nghị tuyên dương “Gương trọn nghĩa, vẹn tình cùng thương binh vượt khó” do Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức, ngày 25 tháng 7 năm 2017.
Giao lưu gương thương binh vượt khó nhân Kỷ niệm 70 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ (27/7/1947 - 27/7/2017) do Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức, ngày 25 tháng 7 năm 2017.

 

Đồng chí Nguyễn Hữu Hiệp, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Trưởng Ban Dân vận Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh trao cờ thi đua cho các tập thể, cá nhân điển hình tại Hội nghị Tổng kết phong trào thi đua “Cựu chiến binh gương mẫu”, ngày 07 tháng 01 năm 2022.

 

 

Thiếu tướng Trần Đình Hạng, Phó Chủ tịch Hội Cựu chiến binh Thành phố Hồ Chí Minh trao Kỷ niệm chương cho các cá nhân tiêu biểu tại Hội nghị Tổng kết phong trào thi đua yêu nước “Cựu chiến binh gương mẫu” Quận 11, ngày 16 tháng 12 năm 2020.

Đồng chí Trần Văn Bảy, Chủ tịch Ủy ban nhân dân Quận 9 tặng Giấy khen cho các gia đình cách mạng gương mẫu tại chương trình Họp mặt Kỷ niệm 73 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ (27/7/1947 - 27/7/2020), ngày 24 tháng 7 năm 2020.

 

 

Ông Lê Văn Hoàng, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Cựu chiến binh - Cựu quân nhân làm kinh tế huyện Củ Chi tặng quà cho các thành viên trong Câu lạc bộ có thành tích sản xuất, kinh doanh giỏi.

“Sống anh dũng, chết vẻ vang”, nhiều thế hệ cha anh đã không tiếc máu xương, sẵn sàng hy sinh để giành lấy độc lập, tự do cho dân tộc; tiếp tục phát huy truyền thống anh hùng trong thời kỳ hội nhập và phát triển - Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh luôn tri ân, tưởng nhớ và tôn vinh công lao của các anh hùng liệt sĩ, thương binh, gia đình có công với cách mạng. Ảnh: Tiết mục nghệ thuật “Côn Đảo đêm Hàng Dương” do nhạc sĩ Trần Xuân Tiến và nhóm Sao Việt thể hiện tại Lễ tri ân tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ ở Nghĩa trang Hàng Dương, huyện Côn Đảo, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu nhân Kỷ niệm 75 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ, ngày 16 tháng 7 năm 2022./.
Liên kết website
Điểm đến
Lượt truy cập
Đang online : 4
Lượt truy cập: 1165431