Thứ Bảy 20/04/2024 22:29 GMT+7

Triển lãm Quân đội nhân dân Việt Nam – Niềm tin tất thắng

Ngày đăng: 20/12/2022
Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược những năm 1940 - 1944, các đội du kích Bắc Sơn, du kích Pác Bó, du kích Nam Kỳ... lần lượt ra đời và phát triển mạnh mẽ, đòi hỏi phải có một đội quân chủ lực thống nhất về mặt tổ chức nhằm đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ giải phóng dân tộc. Ảnh: Lễ thành lập Đội Việt Nam cứu quốc quân tại rừng Khuổi Nọi, xã Vũ Lễ, huyện Bắc Sơn, tỉnh Cao Bằng, ngày 23 tháng 02 năm 1941.
Ngày 22 tháng 12 năm 1944, Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân - đội quân chủ lực đầu tiên, tiền thân của Quân đội nhân dân Việt Nam được thành lập tại khu rừng Trần Hưng Đạo thuộc huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng.

 

 

Đội du kích Ba Tơ là tổ chức vũ trang đầu tiên ở Nam Trung bộ ra đời sau cuộc khởi nghĩa Ba Tơ (ngày 11 tháng 3 năm 1945) do Tỉnh ủy lâm thời Quảng Ngãi lãnh đạo. Ngay ngày đầu ra quân, Đội du kích đã đánh chiếm Nha Kiểm Lý, triệt hạ đồn Ba Tơ, giành thắng lợi và thành lập chính quyền cách mạng ở châu Ba Tơ.

 

Tháng 5 năm 1945, Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân đổi tên thành Việt Nam Giải phóng quân. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, tháng 8 năm 1945, lực lượng vũ trang đã cùng các tầng lớp Nhân dân đồng loạt tiến hành Tổng khởi nghĩa giành chính quyền. Ảnh: Lực lượng vũ trang và Nhân dân Hà Nội đánh chiếm Bắc Bộ Phủ, ngày 19 tháng 8 năm 1945.

 


Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công, Việt Nam Giải phóng quân được đổi tên thành Vệ Quốc quân. Ảnh: Ngày 26 tháng 8 năm 1945, hai Chi đội Quân Giải phóng từ chiến khu hành quân về Quảng trường Nhà hát lớn Hà Nội cùng với Tự vệ Thành tham gia Lễ duyệt binh trước niềm hân hoan, phấn khởi của đồng bào cả nước.

 

Ngày 19 tháng 12 năm 1946, kháng chiến toàn quốc bùng nổ. Với lời thề “Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”, Đội Cảm tử quân Hà Nội được thành lập và anh dũng chiến đấu ngay từ những ngày đầu toàn quốc kháng chiến.

 

 

Chi đội 12, một trong những đơn vị vũ trang đầu tiên của Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định, năm 1946.


 

 

 

Tháng 01 năm 1949, Thường vụ Trung ương Đảng quyết định xây dựng các lực lượng vũ trang của Đảng, chuyển từ phân tán sang tập trung với Trung đoàn chủ lực của các Quân khu và một Đại đoàn chủ lực đầu tiên làm lực lượng cơ động chiến lược. Ảnh: Ngày 28 tháng 8 năm 1949, Đại đoàn Quân tiên phong chính thức được thành lập tại thị trấn Đồn Đu, huyện Phú Lương, tỉnh Thái Nguyên.


 

Năm 1950, Quân đội Quốc gia Việt Nam được đổi tên thành Quân đội nhân dân Việt Nam với lực lượng lớn mạnh về mọi mặt, tham gia chiến đấu và giành thắng lợi trong nhiều chiến dịch quan trọng. Ảnh: Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm một đơn vị Bộ đội sau Chiến dịch Biên giới tại Đông Khê (Cao Bằng), năm 1950.

 

 

Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm hỏi, động viên đại biểu dự Đại hội Chiến sĩ thi đua các Lực lượng vũ trang lần thứ nhất, tháng 5 năm 1952.


 

 

Hưởng ứng lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh “Tất cả vì Điện Biên Phủ chiến thắng”, quân và dân ta đoàn kết một lòng đánh đuổi giặc Pháp, giành chiến thắng “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu” trong chiến dịch Điện Biên Phủ tại lòng chảo Mường Thanh, Điện Biên, Lai Châu, kết thúc 09 năm kháng chiến chống Pháp (1945 - 1954). Ảnh: Đại tướng Võ Nguyên Giáp trao cờ Quyết chiến Quyết thắng của Chủ tịch Hồ Chí Minh tặng các đơn vị đã lập công trong Chiến dịch Điên Biên Phủ, năm 1954.


Ngay sau thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Pháp, quân và dân ta tiếp tục bước vào cuộc kháng chiến trường kỳ chống Mỹ, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Ảnh: Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đại tướng Võ Nguyên Giáp thăm Bộ đội diễn tập chiến đấu, năm 1957.


Ngày 20 tháng 12 năm 1960, Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam được thành lập nhằm trực tiếp lãnh đạo cách mạng miền Nam chống Mỹ, cứu nước đi đến thắng lợi hoàn toàn. Ảnh: Lực lượng vũ trang chính quy của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam, năm 1960.

 

 

Đội 198 Thành đồng - Thanh niên xung phong Sài Gòn - Gia Định thồ tải vũ khí, lương thực, thực phẩm, thuốc y tế... cung cấp cho bộ đội tham gia kháng chiến chống Mỹ.
Nhằm ngăn chặn sự chi viện từ hậu phương miền Bắc cho chiến trường miền Nam, đế quốc Mỹ mở cuộc chiến tranh phá hoại miền Bắc bằng Không quân và Hải quân, tháng 8 năm 1964. Ảnh: Chiến thắng trận đầu tiêu diệt máy bay Mỹ của Hải quân nhân dân Việt Nam, ngày 05 tháng 8 năm 1964, tại Hòn Gai, Quảng Ninh.

 

 

Đại đội 3, Tiểu đoàn 14 đơn vị Anh hùng Nguyễn Viết Xuân bắn rơi 03 máy bay Mỹ ở miền Tây Quảng Bình, ngày 18 tháng 11 năm 1964.

 

 

 

Tại chiến trường trọng điểm Đông Nam bộ, dưới sự lãnh đạo của Trung ương Đảng, Quân ủy Trung ương, trực tiếp là Trung ương Cục và Bộ Chỉ huy Miền, quân và dân ta đã lập nên chiến công vang dội với chiến thắng Bình Giã năm 1964 - đánh dấu sự chuyển mình của cách mạng miền Nam trong tiến trình lịch sử kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.

 

Quân Giải phóng miền Đông Nam bộ hành quân trong Chiến dịch Đông Xuân 1964 - 1965.

 

 

 

Trung đội Lão dân quân Hoằng Hóa, Thanh Hóa - Đơn vị anh hùng đầu tiên bắn rơi máy bay Mỹ, năm 1967.

 

 

 

Ban Chỉ huy đơn vị X, Quân Giải phóng nhận cờ và mệnh lệnh chiến đấu trước giờ xuất kích Xuân Mậu Thân 1968.

 

 

 

Tháng 8 năm 1971, Bộ Chính trị quyết định mở cuộc tổng tiến công chiến lược trên toàn miền vào năm 1972 từ các hướng: miền Đông Nam bộ, Trị Thiên, Tây Nguyên để tiêu diệt lực lượng lớn quân địch và mở rộng vùng giải phóng, buộc đế quốc Mỹ phải chấm dứt chiến tranh bằng thương lượng trên thế thua. Ảnh: Các chiến sĩ công binh Quân Giải phóng mở đường chuẩn bị cho Chiến dịch Nguyễn Huệ tại miền Đông Nam bộ, năm 1972.

 

Năm 1972, Quân Giải phóng thắng lớn ở mặt trận Đường 9 Nam Lào, tỉnh Quảng Trị, làm phá sản một bước cơ bản chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh” của đế quốc Mỹ, đồng thời tạo thế và lực mới cho cách mạng miền Nam.
00 giờ 35 ngày 03 tháng 12 năm 1973, các chiến sĩ đặc công Rừng Sác tổ chức đánh Kho xăng, dầu Nhà Bè, gây chấn động trong nước và dư luận thế giới, tạo thế xoay chuyển có lợi cho cách mạng Việt Nam.

 

 

 

Đội nữ Pháo binh Ngư Thủy, tỉnh Quảng Bình 05 lần bắn cháy tàu chiến Mỹ, được tặng danh hiệu Đơn vị Anh hùng lực lượng vũ trang Nhân dân.

 

Những năm 1973-1974, lực lượng Quân đội nhân dân Việt Nam không ngừng trưởng thành, lớn mạnh cả về quy mô lẫn tổ chức, được trang bị vũ khí, kỹ thuật hiện đại, có khả năng mở các chiến dịch tiến công, hiệp đồng binh chủng với quy mô lớn. Ảnh: Một đơn vị Không quân triển khai phương án tác chiến.

 

 

 

 

 

 

Lễ đón nhận Huân chương Sao vàng do Đảng, Nhà nước trao tặng Quân đội nhân dân Việt Nam nhân Kỷ niệm 30 năm Ngày thành lập (22/12/1944 - 22/12/1974).

 

 

 

 

Tháng 12 năm 1974, đồng chí Lê Duẩn, Bí thư thứ Nhất Trung ương Đảng chủ trì Hội nghị mở rộng của Bộ Chính trị quyết định mở cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

 

 

 

 

 

Quân Giải phóng đánh chiếm Bộ Tổng tham mưu Ngụy tại Sài Gòn, ngày 30 tháng 4 năm 1975.\

 

 

 

 

11 giờ 30 phút ngày 30 tháng 4 năm 1975, xe tăng thuộc Lữ đoàn 203, Quân đoàn 2 húc đổ cổng chính và tiến chiếm Dinh Độc Lập, bắt sống toàn bộ Ngụy quyền trung ương, buộc chúng tuyên bố đầu hàng vô điều kiện, kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của dân tộc ta.

 

 

Đại thắng mùa Xuân năm 1975 đã kết thúc thắng lợi 30 năm kháng chiến kiên cường, bất khuất vì độc lập, thống nhất đất nước - thể hiện ý chí, bản lĩnh và trí tuệ của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta; mở ra một kỷ nguyên mới: Kỷ nguyên xây dựng nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập và giàu mạnh. Ảnh: Nhân dân Sài Gòn tưng bừng chào đón đoàn quân chiến thắng, ngày 30 tháng 4 năm 1975.

 

 

Nhằm cứu vãn chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh” và gây sức ép buộc ta phải chấp nhận ký Hiệp định Paris theo các điều khoản sửa đổi của Mỹ, ngày 14 tháng 12 năm 1972, Tổng thống Mỹ Richard Nixon phê chuẩn kế hoạch tập kích chiến lược B-52 với mật danh “Linebacker II” vào Hà Nội, Hải Phòng và các địa phương lân cận. Ảnh. Đại tướng Võ Nguyên Giáp cùng lãnh đạo chỉ huy Quân chủng Phòng không - Không quân duyệt phương án đánh B-52 của Mỹ tập kích vào Hà Nội tại Sở Chỉ huy Quân chủng Phòng không - Không quân, năm 1972.

 

Bộ Tư lệnh Quân chủng Phòng không - Không quân họp bàn kế hoạch tác chiến chiến dịch Điện Biên Phủ trên không, tháng 12 năm 1972.
Các binh chủng Quân đội, đặc biệt lực lượng Phòng không - Không quân phối hợp với lực lượng Công an và Nhân dân, tổ chức hiệp đồng chặt chẽ, phát huy sức mạnh tổng hợp với quyết tâm “bắn rơi tại chỗ, bắt sống giặc lái B-52, tiến đến đánh bại hoàn toàn cuộc tập kích của không quân Mỹ”. Ảnh: Dây chuyền lắp ráp đạn tên lửa cung cấp kịp thời cho các Tiểu đoàn hỏa lực bắn máy bay địch trong trận đánh 12 ngày đêm, tháng 12 năm 1972.
Tên lửa SAM-2 và máy bay chiến đấu MiG-21 do Liên Xô viện trợ là hai loại vũ khí hiện đại nhất được ưu tiên dùng đánh B-52 vào tháng 12 năm 1972.
Chiến sĩ tiêu đồ tại Sở Chỉ huy Quân chủng Phòng không - Không quân đảm bảo thông tin liên lạc phục vụ các lực lượng chiến đấu, tháng 12 năm 1972.

 

 

 

Kíp chiến đấu Tiểu đoàn 57, Trung đoàn Tên lửa 261 sẵn sàng chiến đấu, tháng 12 năm 1972.

 

 

 

19 giờ 10 phút ngày 18 tháng 12 năm 1972, hệ thống ra-đa của ta bắt được tín hiệu máy bay B-52 đầu tiên của địch hướng về Thủ đô Hà Nội, mở đầu đòn tập kích chiến lược. 19 giờ 25 phút, Bộ Tổng Tư lệnh phát lệnh báo động toàn miền Bắc - Cuộc chiến đấu 12 ngày đêm bảo vệ Thủ đô Hà Nội chính thức bắt đầu. Ảnh: Diễn biến chiến dịch Điện Biên Phủ trên không từ ngày 18 đến ngày 29 tháng 12 năm 1972.


Kíp chiến đấu Tiểu đoàn 77, Trung đoàn 257 chiến đấu trong trận đánh 12 ngày đêm bảo vệ Thủ đô, tháng 12 năm 1972.


 

 

Trận địa tên lửa phòng không và pháo cao xạ của Quân chủng Phòng không - Không quân bố trí để tiêu diệt máy bay địch.

 

 

Tiểu đoàn X-Tên lửa bắn rơi nhiều máy bay của giặc Mỹ trong chiến dịch Điện Biên Phủ trên không, tháng 12 năm 1972.

 

 

 

Đơn vị pháo cao xạ bảo vệ Thủ đô Hà Nội nói riêng và miền Bắc nói chung trong trận đánh 12 ngày đêm, tháng 12 năm 1972.

 

 

 

Dân quân ngoại thành Hà Nội tiếp đạn cho đơn vị pháo cao xạ bảo vệ Thủ đô Hà Nội, tháng 12 năm 1972.

 

 

 

 

Đại đội 4 pháo cao xạ nổ súng mãnh liệt bảo vệ Thủ đô Hà Nội.

 

Đồng chí Tôn Đức Thắng, Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa thăm Liên đội tự vệ Thủ đô - đơn vị chiến đấu dũng cảm bắn rơi máy bay F-111 của Mỹ, đêm 22 tháng 12 năm 1972.

 

 

Các chiến sĩ tự vệ Nhà máy thiết bị Bưu điện khẩn trương tu sửa nắp hầm, chuẩn bị tốt hầm hào chiến đấu, năm 1972.
Tự vệ Nhà máy Y Hà Nội ngày đêm nêu cao tinh thần cảnh giác, luyện tập sẵn sàng chiến đấu, bắn rơi máy bay Mỹ gây tội ác ở Thủ đô trong 12 ngày đêm tháng 12 năm 1972.

 

 

 

Đội tự vệ Nhà máy Dệt kim Đông Xuân, Hà Nội quyết bảo vệ vững chắc vùng trời Thủ đô, tháng 12 năm 1972.

 

 

 

Phi công Phạm Tuân (người đầu tiên bên phải) trao đổi về trận đánh B-52 đêm 27 tháng 12 năm 1972 với các phi công trong tổ săn B-52.

 

 

Máy bay chiến lược B-52 của Mỹ bị lực lượng Không quân và Tên lửa Việt Nam bắn rơi tại Hà Nội, tháng 12 năm 1972.
Biên đội MiG-21 rút kinh nghiệm sau trận bắn rơi F-4 yểm hộ cho các lực lượng đánh B-52, ngày 27 tháng 12 năm 1972.

 

 

 

 

Máy bay Mỹ bị bắn rơi trên bầu trời Hà Nội, tháng 12 năm 1972.

Các chuyên gia Liên Xô xem xét xác chiếc máy bay ném bom B-52 bị bắn rơi ở Hà Nội trong chiến dịch Điện Biên Phủ trên không, tháng 12 năm 1972.

 

 

Với việc đánh thắng cuộc tập kích chiến lược đường không, làm nên chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không” của quân và dân ta đã góp phần đánh bại hoàn toàn ý chí chiến tranh xâm lược, buộc đế quốc Mỹ trở lại bàn đàm phán,chấp nhận các đề nghị của Việt Nam, ký kết Hiệp định Paris vào ngày 27 tháng 01 năm 1973. Ảnh: Khu vực triển lãm về chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không” trong Thành phố Hà Nội.

 

Nhân dịp năm mới 1973, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đến thăm và khen ngợi các chiến sĩ tự vệ khu phố K và T đã chiến đấu dũng cảm, mưu trí bắn rơi máy bay F-111 của Mỹ trong đêm 22 tháng 12 năm 1972.

 

 

 

Chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không” là một trong những chiến công oanh liệt, là bản hùng ca vĩ đại trong thế kỷ XX; mãi đi vào lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc ta, trở thành biểu tượng của ý chí, trí tuệ và bản lĩnh Việt Nam trong thời đại Hồ Chí Minh.Ảnh: Nhân dân đón mùa Xuân chiến thắng bên xác máy bay B-52 của Mỹ, năm 1973.
Trong thời chiến cũng như thời bình, lực lượng Quân đội nhân dân Việt Nam không ngừng lớn mạnh, trưởng thành, thể hiện rõ bản lĩnh chính trị của quân đội cách mạng, gắn bó máu thịt với Nhân dân, thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước và Nhân dân giao phó. Ảnh: Đồng chí Nguyễn Xuân Phúc, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam thăm Lực lượng vũ trang Thành phố Hồ Chí Minh nhân dịp năm mới 2022, ngày 24 tháng 01 năm 2022.

 

Đại tướng Phan Văn Giang, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng thăm và làm việc với Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng Thành phố Hồ Chí Minh, ngày 06 tháng 4 năm 2022.

 

Đồng chí Nguyễn Văn Nên, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh trao Huân chương chiến công hạng Nhất cho Bộ Tư lệnh Thành phố Hồ Chí Minh, ngày 20 tháng 01 năm 2022.

 

 

 

Thủ trưởng Bộ Tư lệnh Thành phố Hồ Chí Minh tặng sách “Cuộc chiến phòng, chống dịch COVID-19 của lực lượng vũ trang Thành phố Hồ Chí Minh” và “Lực lượng vũ trang trên tuyến đầu chống dịch” cho các đại biểu tại Họp mặt kỷ niệm 77 năm Ngày Truyền thống lực lượng vũ trang Thành phố Hồ Chí Minh (04/9/1945 - 04/9/2022) và đón nhận Huân chương của Chủ tịch nước, Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ cho Bộ Tư lệnh Thành phố, ngày 01 tháng 9 năm 2022.

Đoàn đại biểu của Thành phố Hồ Chí Minh do đồng chí Nguyễn Văn Hiếu, Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh làm Trưởng đoàn đã đến thăm và động viên cán bộ, chiến sĩ làm nhiệm vụ tại Vùng 5 Hải quân, tháng 9 năm 2022.

 

 

Đồng chí Nguyễn Hồ Hải, Phó Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh tham quan trạm điện mặt trời được lắp đặt tại đảo Cô Lin, quần đảo Trường Sa, tháng 5 năm 2022.

 

 

 

Đồng chí Tô Thị Bích Châu, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Thành phố Hồ Chí Minh chia sẻ, động viên chiến sĩ trẻ đang làm nhiệm vụ tại quần đảo Trường Sa, tháng 5 năm 2022.

 

 

Đồng chí Ngô Minh Châu, Thành ủy viên, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh trao tặng 2.000 lá cờ Tổ quốc cho ngư dân và chiến sĩ trên đảo Nam Du, tỉnh Kiên Giang, ngày 28 tháng 9 năm 2022.

 

 

 

Đồng chí Nguyễn Thị Thanh Thúy, Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Thành phố Hồ Chí Minh trao tặng quà cho cán bộ, chiến sĩ công tác tại đảo Hòn Đốc, tỉnh Kiên Giang, ngày 29 tháng 9 năm 2022. 

 

 

 

Phát huy tinh thần chủ động sáng tạo, sẵn sàng chiến đấu Quân đội nhân dân Việt Nam luôn phối hợp với các đơn vị thực hiện nhiệm vụ quân sự, quốc phòng địa phương, góp phần triển khai kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, giữ gìn ổn định an ninh chính trị - trật tự an toàn xã hội. Ảnh: Đồng chí Phan Nguyễn Như Khuê, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh và Đại tá Trần Ngọc Anh, Lữ đoàn trưởng Lữ đoàn 2, Bộ Tư lệnh 86 thực hiện ký kết chương trình phối hợp giữa hai đơn vị trong nắm tình hình, đấu tranh, phản bác và xử lý thông tin xấu, độc trên không gian mạng liên quan đến Thành phố Hồ Chí Minh giai đoạn 2022 - 2025, ngày 05 tháng 5 năm 2022.

 

Lễ ký kết phối hợp hoạt động giữa Ban Chỉ huy quân sự các quận, huyện thuộc Bộ Tư lệnh Thành phố Hồ Chí Minh với Ban Chỉ huy quân sự các huyện, thị xã thuộc Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Nghệ An.

 

 

 

 

 

Đoàn công tác Bộ Tư lệnh Thành phố Hồ Chí Minh đến thăm, chúc mừng Tết Cổ truyền Chol Chnam Thmay các đơn vị kết nghĩa Quân đội Hoàng gia Campuchia, tháng 8 năm 2022.

 

 

Lễ trao bằng cho các đồng chí tốt nghiệp liên thông cao đẳng ngành quân sự cơ sở khóa IV (2019 - 2021), ngày 07 tháng 01 năm 2022.

 

 

 

 

 

Thiếu tướng Phạm Văn Rậm, Phó Tư lệnh Bộ Tư lệnh Thành phố Hồ Chí Minh kiểm tra công tác quân sự, quốc phòng tại Ban Chỉ huy quân sự Phường 15, Quận 10.

 

 

 

 

Thiếu tướng Lê Xuân Thế, Phó Tư lệnh - Tham mưu trưởng Bộ Tư lệnh Thành phố Hồ Chí Minh kiểm tra công tác huấn luyện, diễn tập của lực lượng dân quân.

 

 

Đồng chí Nguyễn Thị Lệ, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh tham quan các sáng kiến, cải tiến kỹ thuật, mô hình học cụ của lực lượng vũ trang Thành phố Hồ Chí Minh tại Lễ ra quân huấn luyện năm 2022, ngày 01 tháng 3 năm 2022.

 

Lực lượng Quân đội nhân dân Việt Nam luôn nâng cao chất lượng xây dựng chính quy chuyên ngành kỹ thuật và trình độ nhận thức, quản lý, khai thác sử dụng vũ khí trang bị cho cán bộ, chiến sĩ đáp ứng kịp thời có hiệu quả công tác huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu, phục vụ Nhân dân. Ảnh: Đồng chí Phan Văn Mãi, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh tham quan trang bị, vũ khí tại Bộ Tư lệnh Thành phố Hồ Chí Minh, ngày 20 tháng 5 năm 2022.

 

Thiếu tướng Lê Ngọc Hải, Phó Tư lệnh Bộ Tư lệnh Thành phố Hồ Chí Minh cùng Ban giám khảo Hội thi Kỹ thuật Tăng - Thiết giáp toàn quân tham quan sáng kiến cải tiến, mô hình học cụ của Tiểu đoàn Thiết giáp, Bộ Tư lệnh Thành phố Hồ Chí Minh, tháng 8 năm 2022.

 

 

Tiểu đoàn Thiết giáp, Bộ Tư lệnh Thành phố Hồ Chí Minh tham gia Hội thi Kỹ thuật Tăng Thiết giáp toàn quân năm 2022.

 

 

 

Thiếu tướng Phan Văn Xựng, Thành ủy viên, Chính ủy Bộ Tư lệnh Thành phố Hồ Chí Minh thăm, động viên cán bộ, chiến sĩ Tiểu đoàn Thiết giáp tham gia Hội thi Kỹ thuật Tăng - Thiết giáp toàn quân năm 2022.

 

 

 

Buổi huấn luyện Đại đội dân quân thường trực luân phiên tập trung tại Bộ Tư lệnh Thành phố Hồ Chí Minh, ngày 21 tháng 01 năm 2022.

 

 

 

Trung tướng Trần Hoài Trung, Bí thư Đảng ủy, Chính ủy Quân khu 7 động viên và chúc mừng chiến sĩ Trung đoàn Gia Định hoàn thành khóa huấn luyện chiến sĩ mới năm 2022.

 

 

 

 

Lực lượng trinh sát đặc nhiệm Bộ Tư lệnh Quân khu 7 và Bộ Tư lệnh Thành phố Hồ Chí Minh thực hành đổ bộ đường không bằng trực thăng, tháng 5 năm 2022.

 

 

Những năm qua, lực lượng Quân đội nhân dân Việt Nam luôn đầu tư các nguồn lực bảo đảm tốt công tác hậu cần khu vực phòng thủ, nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu cũng như phát triển kinh tế quốc phòng. Ảnh: Thiếu tướng Nguyễn Trường Thắng, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Tư lệnh Bộ Tư lệnh Quân khu 7 thăm, kiểm tra kết quả sản xuất kinh doanh tại Công ty Cổ phần Dệt May 7. 

 

Trung tướng Trần Hoài Trung, Bí thư Đảng ủy, Chính ủy Quân khu 7, Thủ trưởng các cơ quan Quân khu 7, Thủ trưởng Bộ Tư lệnh Thành phố Hồ Chí Minh tham quan các sản phẩm trưng bày của ngành hậu cần lực lượng vũ trang Thành phố.

 

 

Hoạt động đóng mới và sửa chữa tàu tại Nhà máy X51 (Tổng công ty Ba Son, Tổng cục Công nghiệp Quốc phòng).

 

 

 

Những năm qua, lực lượng Quân đội nhân dân Việt Nam chú trọng công tác chăm lo xây dựng, củng cố nền quốc phòng toàn dân vững mạnh; tổ chức thường xuyên phong trào văn hóa - văn nghệ, thể dục - thể thao; thực hiện tốt công tác an sinh xã hội, góp phần phát triển kinh tế, giữ vững an ninh chính trị, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc trên địa bàn chiến lược của Tổ quốc, tô thắm thêm hình ảnh, phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ” trong thời kỳ mới. Ảnh: Cán bộ chiến sĩ Lực lượng vũ trang Thành phố Hồ Chí Minh tham gia rèn luyện thân thể, bảo vệ Tổ quốc.

Các đơn vị tham quan mô hình trồng rau sạch tại Bộ Tư lệnh Thành phố Hồ Chí Minh - đây là mô hình áp dụng khoa học kỹ thuật vào tăng gia sản xuất.

 

 

 

Tuổi trẻ Bộ Tư lệnh Thành phố Hồ Chí Minh tham gia chiến dịch tình nguyện hè năm 2022.

 

 

 

 

Đại tá Tô Danh Út, Thành ủy viên, Phó Bí thư Đảng ủy, Chỉ huy trưởng Bộ đội Biên phòng Thành phố Hồ Chí Minh thăm và động viên người dân bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID-19 tại huyện Cần Giờ, tháng 9 năm 2021.

 

 

Bộ Tư lệnh Thành phố Hồ Chí Minh phối hợp với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức Hội nghị giới thiệu việc làm và tư vấn học nghề cho bộ đội xuất ngũ, ngày 19 tháng 7 năm 2022.

 

 

 

Bộ Tư lệnh Thành phố Hồ Chí Minh phối hợp với huyện Củ Chi tổ chức chương trình “Tết Quân Dân” - Xuân Nhâm Dần 2022 với chủ đề “Vì Nhân dân quên mình”, tháng 01 năm 2022.

 

 

 

 

Bộ Tư lệnh Thành phố Hồ Chí Minh phối hợp với Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Long An xây dựng 80 căn nhà điểm dân cư liền kề chốt dân quân biên giới tại huyện Đức Huệ, tỉnh Long An, ngày 17 tháng 5 năm 2022.

 

 

 

Các tân binh tiếp bước cha anh, hăng hái lên đường thực hiện nghĩa vụ quân sự, góp phần bảo vệ an ninh, chủ quyền của Tổ quốc, tháng 02 năm 2022.

 

 

 

78 năm qua, lực lượng Quân đội nhân dân Việt Nam không ngừng phát huy truyền thống anh hùng, tích cực xây dựng lực lượng cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, củng cố nền quốc phòng toàn dân vững mạnh, góp phần tạo môi trường thuận lợi phát triển kinh tế - văn hóa - xã hội của Thành phố Hồ Chí Minh và cả nước - xứng đáng với danh xưng “Bộ đội Cụ Hồ” mà Nhân dân tôn vinh. Ảnh: Lực lượng dân quân đồng diễn võ thuật tại Lễ ra quân huấn luyện năm 2022.

 

Liên kết website
Điểm đến
Lượt truy cập
Đang online : 2
Lượt truy cập: 574298