Thứ Năm 10/10/2024 09:00 GMT+7

Triển lãm khám phá Di sản văn hóa Thành phố Hồ Chí Minh

Ngày đăng: 05/05/2023
Ngày 27 tháng 12 năm 1983, đồng chí Trường Chinh, Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam phát biểu tại Hội nghị khoa học kỷ niệm 40 năm Đảng Cộng sản Việt Nam công bố Đề cương về văn hóa Việt Nam (được ban hành vào tháng 02 năm 1943).
Từ ngày đất nước thống nhất đến nay, trong quá trình xây dựng và phát triển, Thành phố Hồ Chí Minh luôn quan tâm bảo tồn và phát huy các giá trị di sản Văn hóa - Lịch sử trên địa bàn. Ảnh: Đồng chí Nguyễn Văn Nên, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh tham quan, khảo sát Bảo tàng Biệt động Sài Gòn - Gia Định (số 145,đường Trần Quang Khải, phường Tân Định, Quận 1), trưng bày hơn 100 hiện vật của lực lượng tình báo, biệt động Sài Gòn - Gia Định, ngày 30 tháng 10 năm 2022.
Đồng chí Nguyễn Văn Nên, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh tham quan Nhà truyền thống Khu Di tích Lịch sử Láng Le - Bàu Cò (xã Tân Nhựt, huyện Bình Chánh) thuộc Căn cứ Vườn Thơm nổi tiếng khắp miền Đông Nam bộ với thắng lợi của trận chống càn năm 1948 bảo vệ căn cứ kháng chiến và lực lượng vũ trang Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định, ngày 13 tháng 11 năm 2022.
Ngày 04 tháng 8 năm 2022, đồng chí Nguyễn Văn Nên, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh tham quan, khảo sát Địa đạo Phú Thọ Hòa (số 139, đường Phú Thọ Hòa, phường Phú Thọ Hòa, quận Tân Phú) - Di tích Lịch sử cấp Quốc gia năm 1996. Trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Địa đạo Phú Thọ Hòa đã bao bọc hàng ngàn cán bộ, du kích, bộ đội, đảm bảo an toàn cho nhiều cán bộ quân dân chính đảng các cấp hoạt động tại đây.
Đồng chí Phan Thị Thắng, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh (nay là Thứ trưởng Bộ Công thương) cùng lãnh đạo quận Gò Vấp tham quan Làng đúc Lư đồng quận Gò Vấp với nhiều sản phẩm thủ công cực kỳ tinh xảo phục vụ các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long và một số thị trường nước ngoài trong tour du lịch“Quận Gò Vấp - Trăm năm tìm lại dấu xưa”, ngày 26 tháng 8 năm 2022.
Ngày 13 tháng 9 năm 2022, lãnh đạo Sở Văn hóa và Thể thao Thành phố Hồ Chí Minh khảo sát Cơ sở giấu vũ khí của Biệt động Thành đánh Dinh Độc Lập trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân năm 1968 (số 287/70, đường Nguyễn Đình Chiểu, Phường 5, Quận 3). Năm 1988, nơi đây được xếp hạng là Di tích Lịch sử - Văn hóa cấp Quốc gia.
Ngày 30 tháng 11 năm 2020, đồng chí Nguyễn Mạnh Cường, Thành ủy viên, Bí thư Thành ủy Thành phố Thủ Đức (nay là Chánh Văn phòng Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh) cùng Ban Quản lý Đình Thần Linh Đông (phường Linh Chiểu, Thành phố Thủ Đức) nhận Bằng xếp hạng Di tích Kiến trúc nghệ thuật cấp Quốc gia. Đây là công trình có giá trị về kiến trúc nghệ thuật đặc sắc, thể hiện sự gắn kết cộng đồng làng xã của cư dân Nam bộ, tinh thần tôn trọng, tưởng nhớ công ơn các bậc tiền hiền.

Đồng chí Huỳnh Khắc Điệp, Thành ủy viên, Bí thư Quận ủy Bình Tân cùng du khách tham quan Đình Bình Trị Đông (đường Lê Đình Cẩn, phường Bình Trị Đông A, quận Bình Tân), nơi sinh hoạt tín ngưỡng dân gian và lưu giữ những giá trị lịch sử - văn hóa tiêu biểu của ngôi đình Nam bộ. Năm 2020, Đình Bình Trị Đông được Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh xếp hạng Di tích Kiến trúc nghệ thuật.
Dinh Độc Lập (Hội trường Thống Nhất, số 135, đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Quận 1) là công trình tiêu biểu cho kiến trúc đương đại Việt Nam. Đây là nơi ghi dấu sự kiện quan trọng kết thúc Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước vào ngày 30 tháng 4 năm 1975. Công trình được công nhận Di tích Quốc gia đặc biệt, là một trong những địa điểm du lịch không thể thiếu của du khách khi đến Thành phố Hồ Chí Minh.
Di tích Quốc gia đặc biệt Địa đạo Củ Chi là hệ thống phòng thủ, đánh giặc độc đáo dài khoảng 250km trong lòng đất, thu hút khách tham quan trong và ngoài nước, hiện đang trình hồ sơ để UNESCO công nhận là Di sản thế giới.
Di tích Khu trại giam Bệnh viện Chợ Quán nằm trong khuôn viên Bệnh viện Bệnh nhiệt đới (số 190, đường Bến Hàm Tử (nay là số 764 đường Võ Văn Kiệt), Phường 1, Quận 5), là nơi giam giữ nhiều cán bộ, chiến sĩ cách mạng như Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Trần Phú, Hà Huy Tập, các chiến sĩ Trần Não, Nguyễn Văn Trỗi... Đến nay, Di tích vẫn giữ được kiến trúc xưa với không gian cao thoáng, cửa sổ khung sắt và được công nhận là Di tích lịch sử Quốc gia năm 1988.
Di tích lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh (số 5, đường Châu Văn Liêm, Phường 14, Quận 5) được công nhận Di tích lịch sử Quốc gia năm 1988 với nét kiến trúc xưa cùng hình ảnh, tư liệu quý về thời gian Chủ tịch Hồ Chí Minh đã lưu lại trước khi ra đi tìm đường cứu nước vào ngày 05 tháng 6 năm 1911.
Du khách tham quan Hầm bí mật in tài liệu Bản tin Giải phóng tiếng Hoa của Ban Tuyên huấn Hoa vận thời kỳ chống Mỹ cứu nước (số 341/10, đường Gia Phú, Phường 1, Quận 6), nay là Nhà truyền thống Ban Tuyên huấn Hoa vận, được công nhận là Di tích Lịch sử cấp Quốc gia năm 1998.

Khu tưởng niệm liệt sĩ Ngã Ba Giồng, huyện Hóc Môn - Địa chỉ đỏ để các tầng lớp Nhân dân đến viếng thăm, tưởng niệm các đồng chí lãnh đạo Đảng, đồng bào, chiến sĩ đã hy sinh trong cuộc Khởi nghĩa Nam kỳ năm 1940. Khu tưởng niệm được công nhận Di tích Lịch sử cấp Quốc gia ngày 30 tháng 12 năm 2002.

Chiến khu Rừng Sác nằm trong khuôn viên rừng ngập mặn Cần Giờ được UNESCO công nhận là Khu dự trữ sinh quyển đầu tiên của Việt Nam. Đến đây, du khách có thể tìm hiểu về những chiến công vang dội của các chiến sĩ đặc công anh hùng trong kháng chiến chống Mỹ và tận hưởng không khí trong lành.

Khu Di tích Dân công hỏa tuyến Vĩnh Lộc (đường Dân công hỏa tuyến, ấp 4, xã Vĩnh Lộc A, huyện Bình Chánh) được công nhận là Di tích Lịch sử cấp Thành phố năm 2005. Đây là nơi ghi dấu ấn sự kiện 32 nữ dân công hỏa tuyến phục vụ chiến trường ngã xuống trong đêm 15 tháng 6 năm 1968 - tấm gương sáng ngời về tinh thần vượt gian khổ, sẵn sàng hy sinh, vững tin vào thắng lợi của các cô gái vùng ven Sài Gòn.
Di tích “Nơi họp Hội nghị Xứ ủy Nam Kỳ tháng 9 năm 1940” quyết định thời điểm nổ ra cuộc Khởi nghĩa Nam kỳ. Ngày 19 tháng 11 năm 2010, nơi đây được công nhận là Di tích Lịch sử cấp Thành phố. Ảnh: Di tích đã được tôn tạo trở thành Nhà trưng bày truyền thống cách mạng và là nơi tổ chức Lễ giỗ hàng năm những chiến sĩ và Nhân dân đã hy sinh trong cuộc Khởi nghĩa Nam Kỳ ngày 23 tháng 11 năm 1940.
Cột cờ Thủ Ngữ (số 2, đường Tôn Đức Thắng, Quận 1) được xây dựng năm 1865 tại khu vực Ngã ba rạch Bến Nghé gặp sông Sài Gòn. Tên gọi “Thủ Ngữ” có thể hiểu theo nghĩa cột cờ này án ngữ ngay lối đường thủy ra vào với chức năng báo hiệu cho tàu bè. Công trình nằm trong tổng thể Công viên Bến Bạch Đằng và được xếp hạng là Di tích Lịch sử cấp Thành phố năm 2016.
Thực hiện chỉ đạo của Bộ Chỉ huy Quân khu Sài Gòn - Gia Định, căn nhà số 183/4 đường Trần Quốc Toản, Quận 3 (nay là đường Ba Tháng Hai, Quận 10) được bí mật xây dựng hầm chứa vũ khí phục vụ cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân năm 1968 và được giữ bí mật đến Chiến dịch Hồ Chí Minh. Năm 1988, nơi đây được xếp hạng là Di tích Lịch sử - Văn hóa cấp Quốc gia. Ảnh: Khách tham quan hầm chứa vũ khí bí mật của Lực lượng Biệt động Sài Gòn tại nhà số 183/4, đường Ba Tháng Hai, Quận 10.
Ngày 16 tháng 12 năm 1993, Dinh Quận Hóc Môn - Lưu niệm sự kiện Nam kỳ Khởi nghĩa ngày 23 tháng 11 năm 1940 (nay là Nhà truyền thống huyện Hóc Môn, số 1 đường Lý Nam Đế, Thị trấn Hóc Môn) được công nhận là Di tích Lịch sử - Văn hóa cấp Quốc gia năm 1993. Đây cũng là nơi diễn ra nhiều sự kiện đấu tranh nổi bật của Nhân dân 18 Thôn vườn trầu suốt từ năm 1885 đến ngày miền Nam giải phóng.
Di tích Bót Dây Thép nằm trên khu đất cao thuộc phường Tăng Nhơn Phú A, Thành phố Thủ Đức, do thực dân Pháp xây dựng từ những năm đầu xâm lược Gia Định - Sài Gòn - Chợ Lớn để phát và nhận tin từ Việt Nam và ngược lại. Trong kháng chiến chống thực dân Pháp, đây là nơi giam cầm, tra tấn nhiều chiến sĩ cách mạng và người dân vô tội. Năm 1993, nơi đây được công nhận là Di tích Lịch sử - Văn hóa cấp Quốc gia.
Chùa Giác Viên còn gọi là chùa Hố Đất (số 161/35/20, đường Lạc Long Quân, Phường 3, Quận 11) là một trong những ngôi chùa cổ của Thành phố được xếp hạng là Di tích Lịch sử - Văn hóa cấp Quốc gia năm 1993. Nét nổi bật ở chùa Giác Viên là nghệ thuật điêu khắc tượng tròn và chạm khắc gỗ với các đề tài trang trí hoa quả gắn liền với vùng đất Nam bộ như mãng cầu, sầu riêng, xoài…
Đình Bình Đông nằm ngay nhánh rẽ của Kênh Đôi, trên cù lao Bà Tàng, Quận 8 được công nhận Di tích Lịch sử - Văn hóa cấp Quốc gia năm 1997. Đây không chỉ là ngôi đình cổ linh thiêng mà còn có Nhà tưởng niệm, trưng bày hình ảnh hoạt động của Chủ tịch nước Tôn Đức Thắng. Từ năm 1925 khi từ nước ngoài trở về, Chủ tịch Tôn Đức Thắng chọn ngôi đình là cơ sở hoạt động cách mạng bí mật.
Chùa Giác Lâm (số 565, đường Lạc Long Quân, quận Tân Bình) là Di tích kiến trúc nghệ thuật cấp Quốc gia, khởi công xây dựng từ năm 1744. Chùa là một bảo tàng nhỏ lưu giữ nhiều tác phẩm điêu khắc được chạm trổ tinh xảo do chính tay người thợ Sài Gòn thực hiện và là một trong những ngôi chùa cổ nhất của Thành phố Hồ Chí Minh.
Hội quán Nghĩa An còn gọi là Chùa Ông (số 676, đường Nguyễn Trãi, Quận 5) là Di tích Kiến trúc nghệ thuật cấp Quốc gia. Chùa Ông không chỉ là nơi chiêm bái của người Hoa gốc Triều Châu ở vùng Sài Gòn mà còn là công trình có giá trị về kiến trúc và nghệ thuật nửa cuối thế kỷ 19 đầu thế kỷ 20.

Điện Ngọc Hoàng còn gọi là Chùa Phước Hải (số 73, đường Mai Thị Lựu, Quận 1) - Di tích Kiến trúc nghệ thuật cấp Quốc gia năm 1994, một trong những ngôi chùa cổ nổi tiếng linh thiêng của Sài Gòn xưa được xây dựng năm 1892. Chùa có ảnh hưởng nhất định trong đời sống tinh thần của người Việt và người Hoa vùng đất Nam bộ.
Đình Phú Nhuận (số 18, đường Mai Văn Ngọc, Phường 10, quận Phú Nhuận), một trong những ngôi đình Nam bộ tiêu biểu với kiểu nhà xếp đọi. Nơi đây được xếp hạng là Di tích Kiến trúc nghệ thuật cấp Quốc gia năm 1997.
Hội quán Ôn Lăng còn gọi là Chùa Quan Âm (số 12, đường Lão Tử, Phường 11, Quận 5), là ngôi chùa cổ linh thiêng được xây dựng theo kiểu đền miếu cổ Trung Hoa, mang đậm phong cách kiến trúc vùng Phúc Kiến với mái uốn cong và họa tiết bằng gốm tinh xảo. Công trình được xếp hạng là Di tích Kiến trúc nghệ thuật cấp Quốc gia, thu hút du khách đến chiêm bái và tham quan, nhất là trong dịp Tết Nguyên Tiêu.
Bảo tàng Lịch sử Thành phố Hồ Chí Minh (số 2, đường Nguyễn Bỉnh Khiêm, Quận 1) mang phong cách kiến trúc châu Âu và nghệ thuật phương Đông cổ điển nằm trong khuôn viên Thảo Cầm Viên Sài Gòn. Bảo tàng được xếp hạng là Di tích Kiến trúc nghệ thuật cấp Quốc gia năm 2012.

 

Tòa nhà trụ sở Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh (số 86, đường Lê Thánh Tôn, phường Bến Nghé, Quận 1) là một trong những công trình kiến trúc cổ điển ở Thành phố được xây dựng từ năm 1898 đến 1909, thiết kế mô phỏng từ tòa thị chính Paris theo kiểu những lầu chuông ở miền Bắc nước Pháp. Nơi đây được xếp hạng là Di tích Kiến trúc nghệ thuật cấp Quốc gia ngày 04 tháng 11 năm 2020.
Nhà hát Thành phố xây dựng từ năm 1898 đến 1900 theo phong cách kiến trúc Tây Âu, được công nhận là Di tích Kiến trúc Nghệ thuật cấp Quốc gia, là địa điểm đẹp, trang trọng để biểu diễn văn hóa nghệ thuật và tổ chức các sự kiện lớn của Thành phố Hồ Chí Minh.
Bảo tàng Hồ Chí Minh - Chi nhánh Thành phố Hồ Chí Minh (số 1, đường Nguyễn Tất Thành, Phường 12, Quận 4) nơi lưu giữ và trưng bày tư liệu, hiện vật về cuộc đời và sự nghiệp cách mạng vĩ đại của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Năm 2011, nơi đây được công nhận là Di tích Kiến trúc nghệ thuật cấp Thành phố với nét đặc trưng kiến trúc pha trộn phong cách Đông - Tây.
Khách sạn Continental Sài Gòn (số 132 - 134, đường Đồng Khởi, Quận 1), được xây dựng vào năm 1878 với thiết kế theo phong cách trang nhã, phảng phất đường nét tinh tế của kiến trúc Pháp cổ. Năm 2012, Khách sạn được Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh xếp hạng là Di tích Kiến trúc nghệ thuật. Ảnh: Du khách tham quan tư liệu, hình ảnh giới thiệu về khách sạn và nét đẹp kiến trúc xưa trưng bày trong khuôn viên khách sạn Continental Sài Gòn.
Cầu Mống (nối Quận 1 và Quận 4) là cây cầu cổ xưa tại Thành phố Hồ Chí Minh được xếp hạng là Di tích Kiến trúc nghệ thuật cấp Thành phố năm 2014. Cầu Mống nổi bật với những dầm thép kết nối với nhau theo kỹ thuật cổ đỡ khung vòm cong mềm mại, là địa điểm vui chơi, ngắm Thành phố lung linh về đêm, thu hút người dân địa phương và du khách tham quan.

Di tích Kiến trúc nghệ thuật Miếu Nổi (hay Miếu Phù Châu), trên sông Vàm Thuật thuộc Phường 5, quận Gò Vấp được xây dựng cách đây hơn 300 năm vào thời vua Gia Long với lối kiến trúc đặc sắc pha lẫn nét văn hóa Việt - Hoa. Dù địa thế khó đi nhưng Miếu Nổi vẫn thu hút khách từ khắp nơi đến du lịch thưởng ngoạn, thắp hương cầu an, nhất là các ngày rằm, dịp lễ Tết.
Viện Pasteur Thành phố Hồ Chí Minh (số 167, đường Pasteur, Phường 8, Quận 3), được thành lập từ năm 1891, do ý tưởng của Nhà khoa học Louis Pasteur và học trò của ông là Albert Calmette. Công trình mang kiến trúc bệnh viện Pháp đầu thế kỷ 20 nhưng thiết kế, kết cấu phù hợp với khí hậu nhiệt đới Việt Nam, có giá trị cao về lịch sử kiến trúc nghệ thuật, phản ánh một giai đoạn tiêu biểu của kiến trúc miền Nam nói riêng và Việt Nam nói chung.
Trường Trung học phổ thông chuyên Lê Hồng Phong (số 235, đường Nguyễn Văn Cừ, Quận 5) là một trong ba ngôi trường lâu đời nhất ở Thành phố Hồ Chí Minh. Ngôi trường tiêu biểu cho phong cách kiến trúc phương Tây tổng hòa với nền giao thoa văn hóa bản địa Á Đông, tạo ra lối kiến trúc Đông Dương, điểm nhấn trong một thời kì lịch sử Việt Nam. Hiện ngôi trường được xếp hạng là Di tích Kiến trúc nghệ thuật cấp Thành phố.
Nằm ở trung tâm Thành phố Hồ Chí Minh, chợ Bến Thành được xây dựng từ năm 1912 đến 1914 đã trở thành một trong những biểu tượng của Thành phố. Với hàng hóa phong phú, đa dạng, chất lượng, hơn 100 năm qua, chợ luôn là một trung tâm thương mại phồn thịnh của Sài Gòn - Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh Nam bộ. Hiện khu vực chợ Bến Thành được Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đưa vào danh sách di tích lịch sử, văn hóa, danh lam thắng cảnh, bảo tồn của Thành phố.
Chợ Bình Tây (số 57A, đường Tháp Mười, Quận 6) là chợ đầu mối buôn bán hàng hóa lớn của Thành phố Hồ Chí Minh, thu hút du khách tham quan, được công nhận Di tích Kiến trúc nghệ thuật cấp Thành phố năm 2017. Chợ Bình Tây và không gian quanh chợ là điểm đến mang tính biểu tượng tại khu vực Chợ Lớn và là một trong sáu khu vực được đưa vào danh sách di tích lịch sử, văn hóa, danh lam thắng cảnh, bảo tồn của Thành phố Hồ Chí Minh.
Khu vực thuộc các tuyến đường Nguyễn Trãi - Phù Đổng Thiên Vương - Lương Nhữ Học - Hải Thượng Lãn Ông (Quận 5) là khu vực di tích lịch sử, văn hóa, danh lam thắng cảnh, bảo tồn của Thành phố, nổi tiếng với buôn bán dược liệu Đông y và hàng trang trí. Khu Hải Thượng Lãn Ông được Sở Văn hóa và Thể thao Thành phố Hồ Chí Minh công nhận là khu phố cổ nhất với nhiều ngôi nhà có kiến trúc cổ cùng với nét sinh hoạt truyền thống của cộng đồng người Hoa. Ảnh: Khu phố cổ trên đường Hải Thượng Lãn Ông, Quận 5.

 

 

 

Lễ hội Khai hạ - Cầu an tại Lăng Đức Tả quân Lê Văn Duyệt (số 1, đường Vũ Tùng, Phường 1, quận Bình Thạnh) tổ chức vào mùng 7 tháng Giêng Âm lịch hàng năm, là điểm nhấn sinh hoạt văn hóa của người dân vùng đất Sài Gòn - Gia Định - Thành phố Hồ Chí Minh, cầu mong mưa thuận, gió hòa và năm mới thuận lợi. Năm 1988, Lăng Đức Tả quân Lê Văn Duyệt được xếp hạng Di tích Lịch sử - văn hóa cấp Quốc gia. Ảnh: Nghi thức rước Bằng chứng nhận Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia “Lễ hội Khai hạ - Cầu an” vào chánh điện thờ Đức Tả quân Lê Văn Duyệt, năm 2022.
Dịp Rằm tháng 8 Âm lịch hàng năm, Nhân dân huyện Cần Giờ tổ chức Lễ “Nghinh Ông” (Ông Cá Voi) - đây là nét văn hóa dân gian đã trở thành truyền thống tín ngưỡng của người dân vùng biển, được công nhận Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia. Ảnh: Thuyền rồng được hàng trăm ghe lớn nhỏ của ngư dân huyện Cần Giờ trang trí lộng lẫy, cờ hoa rực rỡ tháp tùng ra biển thực hiện nghi thức Nghinh Ông.
Đền Tưởng niệm liệt sĩ Bến Dược (huyện Củ Chi) là một công trình lịch sử - văn hóa được xây dựng để tưởng nhớ công ơn to lớn của đồng bào chiến sỹ đã chiến đấu, hy sinh trên vùng đất Sài Gòn - Gia Định - Thành phố Hồ Chí Minh trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và Mỹ, thu hút đông đảo các tầng lớp Nhân dân, đặc biệt là thế hệ trẻ đến tham quan và tưởng niệm các Anh hùng Liệt sĩ đã vì nước quên thân.
Làng nghề đúc tượng Phật nằm trong hẻm 1017, đường Hồng Bàng, Phường 12, Quận 6, có tuổi đời gần 100 năm. Các sản phẩm của làng nghề nổi tiếng từ lâu và được đặt hàng không chỉ ở trong nước, mà còn xuất khẩu nhiều nước trên thế giới, nhất là những nơi có cộng đồng người Việt sinh sống nhiều như Mỹ, Canada…

 

Lễ hội Nguyên Tiêu còn gọi là Lễ hội đèn hoa đăng diễn ra vào dịp Rằm tháng Giêng Âm lịch, được xem là lễ cổ truyền, có ý nghĩa cầu bình an, tài lộc đầu năm mới. Bên cạnh sinh hoạt tín ngưỡng còn biểu diễn ca kịch tại các Hội quán, chương trình diễu hành nghệ thuật đường phố, trò chơi dân gian… tạo nên tính dân tộc, bản sắc của cộng đồng người Hoa tại Thành phố Hồ Chí Minh. Lễ hội được Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch công nhận là Di sản Văn hóa phi vật thể cấp Quốc gia năm 2020.
Tồn tại hơn 50 năm, làng nghề truyền thống sản xuất lồng đèn Phú Bình (Quận 11) vẫn nhộn nhịp với các hoạt động mua bán và thực hiện các đơn đặt hàng sản xuất lồng đèn. Qua bàn tay khéo léo của các nghệ nhân, những chiếc lồng đèn giấy kính gợi lại nhiều kí ức tuổi thơ vui tươi, đẹp đẽ trong lòng bao thế hệ người Việt.

Trong quá trình phát triển và hội nhập, Thành phố Hồ Chí Minh luôn chú trọng việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống dân tộc, đặc biệt là nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam bộ - Di sản Văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại nhằm đáp ứng nhu cầu thưởng thức văn hóa của các tầng lớp Nhân dân và quảng bá tinh hoa đất phương Nam đến với bạn bè quốc tế. Ảnh: Đoàn Thành phố Hồ Chí Minh biểu diễn nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam bộ tại gian Triển lãm “Khám phá Di sản văn hóa và danh thắng Thành phố Hồ Chí Minh”trong khuôn khổ Festival Tràng An kết nối di sản - Ninh Bình 2022.
Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương - Di sản Văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại được Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức trang trọng hàng năm tại Khu tưởng niệm các Vua Hùng - Công viên Lịch sử Văn hóa Dân tộc (Thành phố Thủ Đức) nhằm ghi nhớ công ơn dựng nước và giữ nước của Tổ tiên. Ảnh: Nghi thức dâng cúng bánh Chưng, bánh Tét trong Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương.
Liên kết website
Điểm đến
Lượt truy cập
Đang online : 9
Lượt truy cập: 1165867