Thứ Bảy 20/04/2024 15:59 GMT+7

Trưng bày chuyên đề Hoàng Sa và Trường Sa – Biển đảo của Việt Nam tại Bảo tàng Thành phố Hồ Chí Minh

Ngày đăng: 03/10/2014
(HIEC) -Sáng 03/10/2014, Bảo tàng Thành phố Hồ Chí Minh đã khai mạc trưng bày chuyên đề “Hoàng Sa và Trường Sa – Biển đảo của Việt Nam”. Ba chủ đề “Hoàng Sa, Trường Sa qua tư liệu bản đồ”, “Bảo vệ chủ quyền biển, đảo Việt Nam”, “Hoàng Sa và Trường Sa hôm nay” đã được thể hiện qua hơn 250 tư liệu, bản đồ, hình ảnh và hiện vật được nghiên cứu, chọn lọc từ nhiều nguồn tư liệu khác nhau.


Các vị đại biểu cắt băng khai mạc triển lãm. Ảnh: Quốc Thanh

Trưng bày đã giới thiệu đến công chúng các bản đồ do những nhà hàng hải, nhà địa lý học, thương gia... phương Tây vẽ và xuất bản từ thế kỷ XVI đến thế kỷ XIX; các bản đồ này đã ghi chú vị trí hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa thuộc vùng biển Việt Nam và là một phần lãnh thổ của Việt Nam. Bên cạnh đó là các bản đồ do Trung Hoa Dân Quốc xuất bản và cập nhật liên tục đến năm 1933, điểm chung của các bản đồ là lãnh thổ cực nam của Trung Quốc chỉ giới hạn đến đảo Hải Nam. Những tư liệu, bản đồ và hình ảnh chứng minh các nhà nước Việt Nam trải qua nhiều thời kỳ lịch sử đã khai phá, xác lập, thực thi và bảo về chủ quyền quốc gia đối với hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa một cách liên tục, lâu dài và diễn ra trong hòa bình.


Nhiều người nước ngoài quan tâm đến xem và tìm hiểu về chủ đề “Hoàng Sa và Trường Sa – Biển đảo của Việt Nam”. Ảnh: Quốc Thanh

Nét nổi bật của trưng bày “Hoàng Sa và Trường Sa – Biển đảo của Việt Nam” lần này là nội dung về “Bảo vệ chủ quyền biển đảo Việt Nam”. Đó là những hiện vật của các chiến sĩ Tàu HQ-604 thuộc Lữ đoàn 125 đã anh dũng hy sinh trong sự kiện bảo vệ Đảo Gạc Ma ngày 14 tháng 3 năm 1988. Sau 20 năm nằm dưới đáy biển, những kỷ vật hiếm hoi và không còn nguyên vẹn này đã trở thành một phần của lịch sử đấu tranh bảo vệ sự toàn vẹn lãnh thổ Tổ quốc Việt Nam.

 
Quân trang của các liệt sĩ tàu HQ-604 được tìm thấy sau 20 năm nằm dưới đáy biển. Ảnh: Minh Trung

Trưng bày cũng giới thiệu nhiều hiện vật và hình ảnh mới sưu tầm, đó là các hiện vật, tư liệu của Lữ đoàn 125 Hải quân, Thông Tấn xã Việt Nam, Báo Tuổi Trẻ, các nhà sưu tập tư nhân; các tặng phẩm, vật phẩm hướng về Hoàng Sa, Trường Sa của các cơ quan, đơn vị trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh; các ấn phẩm, ca khúc viết về biển đảo của các nhạc sĩ... phản ánh những hoạt động hướng về biển đảo của nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh và cả nước.

 
Lá cờ Tổ quốc có chữ ký của các chiến sĩ hải quân thể hiện quyết tâm bảo vệ chủ quyền biển, đảo thiêng liêng. Ảnh: Minh Trung

Theo Bà Phạm Dương Mỹ Thu Huyền – Giám đốc Bảo tàng Thành phố Hồ Chí Minh, trưng bày chuyên đề “Hoàng Sa và Trường Sa – Biển đảo của Việt Nam” nhằm tiếp tục giới thiệu đến công chúng những bằng chứng lịch sử và pháp lý khẳng định chủ quyền biển đảo của Việt Nam; góp phần nâng cao tinh thần yêu nước, lòng tự hào dân tộc, ý thức bảo vệ chủ quyền lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc trong mỗi người dân, nhất là thế hệ trẻ. Đây còn là sự tri ân các thế hệ người Việt Nam đã đổ mồ hôi, xương máu vì chủ quyền biển đảo của đất nước.

Trí Năng

Liên kết website
Điểm đến
Lượt truy cập
Đang online : 5
Lượt truy cập: 573619