Thứ Năm 28/03/2024 17:29 GMT+7

Tết Nguyên tiêu của người Hoa ở Thành phố Hồ Chí Minh được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia

Ngày đăng: 08/07/2020

(HIEC) - Tối 5/7, tại Trung tâm Văn hóa Quận 5, đã diễn ra lễ đón nhận bằng Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cấp cho “Tập quán xã hội và tín ngưỡng Tết Nguyên tiêu của người Hoa Quận 5, Thành phố Hồ Chí Minh”.


Phó Bí thư Thành ủy TP. Hồ Chí Minh Nguyễn Thị Lệ và Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh Lê Thanh Liêm trao bằng Di sản văn hoá phi vật thể quốc gia cho nhóm Hội quán người Hoa.

Chương trình tái hiện một phần lễ hội Nguyên tiêu truyền thống đã được duy trì và phát triển hơn 30 năm qua của cộng đồng người Hoa ở Quận 5. Bên cạnh đó là các tiết mục biểu diễn nghệ thuật Nguyên tiêu thịnh hội”; chiếu phim tư liệu; triển lãm; diễu hành xe hoa đăng; ca kịch tuồng cổ múa lân sư rồng; biểu diễn vẽ tranh thủy mặc; biểu diễn tạp kỹ: đi cà kheo, du thuyền trên cạn; chơi đố đèn và vớt cá vàng... Các Hội quán trên địa bàn quận cũng tổ chức triển lãm sách “Tập quán xã hội và tín ngưỡng Tết Nguyên tiêu của người Hoa Quận 5, Thành phố Hồ Chí Minh”; giới thiệu lịch sử của Tết Nguyên tiêu; triển lãm nghệ thuật thư pháp chủ đề “Hoa Điểu Nghinh Xuân”… Vinh danh 3 nghệ nhân Trương Hán Minh, Chu Lợi và Lưu Kiếm Xương.

Trước đó, UBND Quận 5 đã tổ chức lễ dâng hoa báo công đón nhận Bằng Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia tại công viên Tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh.




Diễu hành đường phố chào mừng “Tết Nguyên Tiêu của người Hoa Quận 5, Thành phố Hồ Chí Minh trở thành Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia”. Ảnh: Lưu Vĩnh Diêu.


Phong tục thắp lồng đèn vào Tết Nguyên Tiêu là truyền thống cổ xưa được duy trì của người Hoa ở quận 5, TPHCM. 




Biểu diễn nghệ thuật thư pháp; múa lân, sư, rồng - nét độc đáo trong văn hóa của người Hoa ở Quận 5, TP Hồ Chí Minh

--------------------

Tết Nguyên tiêu của người Hoa Quận 5, Thành phố Hồ Chí Minh thường diễn ra thành một đợt hoạt động kéo dài từ 3 ngày - 4 ngày (khoảng 12 hoặc 13 đến rằm tháng giêng âm lịch hàng năm). Phần lễ thường được diễn ra tại các chùa, miếu, Hội quán của người Hoa, như: lễ “Thầu đăng”, lễ “Tế thánh”. Đối với quần chúng người Hoa, thì việc đi lễ chùa để “cầu phúc”, “mượn lộc” là phần lễ đã trở thành phong tục không thể thiếu trong ngày rằm tháng giêng hàng năm.

Cùng với các hoạt động mang tính nghi lễ, nhiều hoạt động văn hóa nghệ thuật khá phong phú về nội dung, đa dạng về hình thức cũng được diễn ra ngay tại các cộng đồng dân cư, tại các Hội quán người Hoa, như: biểu diễn ca kịch tuồng cổ, múa lân sư rồng, múa Ương ca, và các loại hình tạp kỷ như đi cà kheo, du thuyền trên cạn, thi câu đố hoa đăng.

Bên cạnh đó, các hoạt động như: “Lễ tế Thánh” của nhóm người Triều Châu, “Hội Long đăng” của nhóm người Phước Kiến, biểu diễn nghệ thuật tuồng cổ trước cổng chùa của nhóm người Quảng Châu, Triều Châu, Hải Nam, cầu “quốc thái dân an, mưa thuận gió hòa, bách nghệ hưng thịnh”… vẫn còn bảo tồn được những nét đặc trưng, mộc mạc, đầy sáng tạo của đồng bào người Hoa qua nhiều thể hệ.

Với chính sách dân tộc sáng suốt của Đảng ta, cùng với những chủ trương đúng đắn, sự quan tâm tạo điều kiện của nhà nước, cùng với sự định hướng, hỗ trợ của các ngành chức năng, hoạt động văn hóa văn nghệ của đồng bào Hoa nói chung, trong đó có lễ hội Nguyên Tiêu, đã có những bước phát triển đáng kể. Hàng năm, trên cơ sở tiếp tục phát huy những sắc thái đặc thù của đồng bào người Hoa, Trung tâm Văn hóa Quận 5 đã nâng tầm tổ chức lễ hội Nguyên Tiêu như là một ngày hội chung của các dân tộc đang sinh sống trong cộng đồng khu dân cư. Nội dung và hình thức hoạt động đã dung hòa giữa hai nền văn hóa Việt và văn hóa người Hoa, cùng tạo nên nét đặc thù của Lễ hội Nguyên Tiêu tại Việt Nam, không thể lẫn với bât kỳ một nước nào trên thế giới.

Từ năm 2000, Lễ hội Nguyên Tiêu được Sở Văn hóa – Thông tin, nay là sở Văn hóa và Thể thao thành phố Hồ Chí Minh đưa vào danh mục lễ hội của thành phố Hồ Chí Minh hàng năm. Đặc biệt, vào đầu năm 2007, Ngày hội Văn hóa người Hoa do Bộ Văn hóa Thông tin, nay là Bộ Văn hóa - Thể thao và du lịch, phối hợp với Ủy ban Nhân dân thành phố Hồ Chí Minh lần đầu tiên tổ chức với qui mô toàn quốc, đã đem lại cho bà con người Hoa tại thành phố niềm tự hào và sự phấn khởi, càng tin tưởng vào sự nghiệp đổi mới, dẫn dắt đất nước phát triển đi lên của Đảng và nhà nước ta.

Trong những ngày hội đó, Lễ hội Nguyên Tiêu được tôn vinh và thăng hoa. Nhiều hoạt động văn hóa diễn ra vừa thể hiện những nét truyền thống của dân tộc Hoa, vừa phản ánh truyền thống đấu tranh cách mạng của đồng bào Hoa sát cánh cùng các dân tộc anh em vì sự nghiệp giải phóng đất nước: Hoạt động triển lãm không chỉ có những tác phẩm thư họa, mà có cả những hình ảnh lịch sử ghi lại sự đóng góp của người Hoa trong hai cuộc kháng chiến giành độc lập dân tộc; các tiết mục văn nghệ gợi cho người xem và du khách những giây phút bất ngờ khi các diễn viên thể hiện các bài hát bằng song ngữ Việt, Hoa; và đỉnh cao của lễ hội là chương trình diễu hành nghệ thuật trên đường phố Quận 5 với sự tham gia của cả người Việt lẫn người Hoa, tạo nên hình ảnh rất đẹp, minh họa một cách sống động tư tưởng đại đoàn kết dân tộc của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Trí Năng - Ảnh: Quốc Thanh

Liên kết website
Điểm đến
Lượt truy cập
Đang online : 6
Lượt truy cập: 500733