Chủ Nhật 24/11/2024 14:25 GMT+7

“Sài Gòn – Thành phố Hồ Chí Minh với không gian đờn ca tài tử Nam bộ” tại Triển lãm “Nhạc cụ truyền thống các dân tộc Việt Nam”

Ngày đăng: 30/11/2018

(HIEC) - Ngày 29/11, trong khuôn khổ Festival văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên tại tỉnh Gia Lai năm 2018, Triển lãm “Nhạc cụ truyền thống các dân tộc Việt Nam” do Trung tâm Triển lãm VHNT Việt Nam - Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức đã khai mạc tại Bảo tàng tỉnh Gia Lai.


Khai mạc Festival văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên tại tỉnh Gia Lai năm 2018. 


Ông Võ Trọng Nam, Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao TPHCM thay mặt Ban tổ chức trao Giấy chứng nhận cho các nghệ nhân tham gia lễ hội.

Triển lãm có sự tham gia trưng bày, trình diễn nhạc cụ truyền thống của 12 tỉnh, thành phố: Điện Biên, Tuyên Quang, Thừa Thiên Huế, Quảng Nam, Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông, TP.HCM, Tiền Giang, An Giang. Triển lãm “Nhạc cụ truyền thống các dân tộc Việt Nam” đã mang đến cho công chúng một cái nhìn tổng quát về các loại nhạc cụ truyền thống, đặc trưng của các vùng miền đất nước; đây là hoạt động có ý nghĩa bảo tồn các giá trị của nhạc cụ truyền thống, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc.

Tham gia triển lãm năm nay, Đoàn TPHCM đã thực hiện một không gian giới thiệu, trưng bày hình ảnh, hiện vật với chủ đề “Sài Gòn – Thành phố Hồ Chí Minh với không gian đờn ca tài tử Nam bộ”; giới thiệu khái quát lịch sử hình thành và phát triển Đờn ca tài tử Nam Bộ, một dòng nhạc dân gian của Việt Nam được hình thành và phát triển từ cuối thế kỷ XIX; bắt nguồn từ nhạc Lễ, Nhã nhạc cung đình Huế; nghệ thuật đờn ca đã theo chân các lưu dân khẩn hoang vào Nam bộ và biến tấu, sáng tạo thành loại hình đờn ca tài tử. Năm 2013, Nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam Bộ của Việt Nam đã chính thức được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.


Ban tổ chức tặng cờ lưu niệm cho 12 tỉnh, thành phố tham gia Triển lãm.

Bên cạnh đó, triển lãm cũng giới thiệu những hình ảnh về Lễ đón Bằng vinh danh Nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam Bộ được Unesco công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Các hoạt động của TPHCM để bảo tồn và phát triển Nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam Bộ như câu lạc bộ đờn ca tài tử; Chương trình âm nhạc “Không gian cuối tuần”, “Tiếng tre xanh”, Chương trình “Đưa nghệ thuật đờn ca tài tử và âm nhạc dân tộc và trường học”; Các cuộc liên hoan, cuộc thi Đờn ca tài tử: Giải Hoa sen vàng, Festival đờn ca tài tử, liên hoan Đờn ca tài tử khu vực Đông Nam bộ và Tây Nam bộ, liên văn nghệ thiếu nhi hè khối phong trào thành phố Hồ Chí Minh năm 2018; Lớp tập huấn kỹ năng về Đờn ca tài tử cho các xã xây dựng nông thôn mới...

  
Gian triển lãm của Đoàn TP Hồ Chí Minh.

 
Khách tham quan hiện vật trưng bày chủ đề “Sài Gòn – Thành phố Hồ Chí Minh với không gian đờn ca tài tử Nam bộ”.


Đội đờn ca tài tử phục vụ khách tham quan.


Đông đảo du khách đến gian triển lãm của Đoàn TPHCM thưởng lãm nghệ thuật đờn ca tài tử.

Cùng với những hình ảnh, hiện vật và tiểu cảnh, gian triển lãm của đoàn thành phố Hồ Chí Minh còn có chương trình biểu diễn và giao lưu của Đội đờn ca tài tử tạo sự gần gũi, sinh động, giúp công chúng tiếp cận và trãi nghiệm với loại hình nghệ thuật độc đáo của vùng đất Nam Bộ, tạo điểm nhấn sinh động, thu hút đông đảo khách đến tham quan.

Trí Năng - Ảnh: Quốc Thanh


Liên kết website
Điểm đến
Lượt truy cập
Đang online : 39
Lượt truy cập: 1322129