Thứ Sáu 19/04/2024 14:25 GMT+7

Lễ khánh thành đền thờ và Lễ giỗ Đức Lễ Thành Hầu Nguyễn Hữu Cảnh tại TP Hồ Chí Minh

Ngày đăng: 20/06/2016

(HIEC) - Sáng ngày 20/6/2016 (nhằm ngày 16 tháng 5 âm lịch), Ban Tổ chức kỷ niệm các ngày lễ lớn TP Hồ Chí Minh đã long trọng tổ chức Lễ khánh thành Đền thờ và Lễ giỗ Đức Lễ Thành Hầu Nguyễn Hữu Cảnh tại Công viên Lich sử - Văn hóa Dân tộc, quận 9, TP Hồ Chí Minh.

Đến dự có đồng chí Đinh La Thăng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TPHCM; đồng chí Lê Thanh Hải, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Bí thư Thành ủy TPHCM; đồng chí Nguyễn Thành Phong, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch UBND TPHCM; đồng chí Lê Hoàng Quân, nguyên Chủ tịch UBND TPHCM; đồng chí Tất Thành Cang, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó bí thư thường trực Thành ủy TPHCM; đồng chí Nguyễn Thị Quyết Tâm, Chủ tịch HĐND TPHCM; đại diện các ban ngành đoàn thể, các vị nhân sĩ, trí thức, đại diện gia tộc Đức Lễ Thành Hầu Nguyễn Hữu Cảnh cùng đông đảo nhân dân TPHCM.


Các đồng chí lãnh đạo Thành phố cắt băng khánh thành đền thờ. Ảnh: Quốc Thanh


Đồng chí Đinh La Thăng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh và các đồng chí lãnh đạo thành phố dâng hương Đức Lễ Thành Hầu Nguyễn Hữu Cảnh tại Đền thờ.

Đền thờ Đức Lễ Thành Hầu Nguyễn Hữu Cảnh được khởi công xây dựng từ ngày 20/4/2015 theo quyết định của UBND TPHCM, công trình được sự quan tâm đặc biệt và chỉ đạo sâu sát của lãnh đạo Thành phố, sau 14 tháng tập trung thi công khẩn trương, đến nay toàn bộ công trình tổng diện tích 7.443 m2 đã hoàn thành; trong đó diện tích xây dựng công trình 875m2, diện tích cây xanh, mặt nước là 3.614m2 và diện tích giao thông, sân bãi 1.717m2 với các hạng mục như khối đền chính, nhà điều hành, nhà vệ sinh, cổng tam quan, văn bia, kè bảo vệ....

Đền thờ Đức Lễ Thành Hầu Nguyễn Hữu Cảnh được xây dựng tại Công viên Lịch sử - Văn hóa Dân tộc, TP Hồ Chí Minh thể hiện tinh thần “uống nước nhớ nguồn”; tấm lòng tri ân của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đối với công đức to lớn của các bậc tiền nhân trong cuộc đấu tranh, gìn giữ và xây dựng đất nước; đặc biệt là tưởng nhớ công lao của vị danh tướng xuất sắc, đặt nền móng xây dựng vùng đất Sài Gòn - Gia Định, trải qua biết bao máu xương của nhiều thế hệ để có một TP Hồ Chí Minh hiện đại, phồn thịnh hôm nay.

Trước đó, từ ngày 17/6 đến ngày 19/6, Thành phố cũng đã tổ chức đoàn rước linh vị từ quê hương Đức Lễ Thành Hầu Nguyễn Hữu Cảnh tại xã Vạn Ninh, huyện Quảng Ninh và xã Trưởng Thủy, huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình về Đền thờ Đức ông tại quận 9, TPHCM.


Đoàn rước linh vị Đức Lễ Thành Hầu Nguyễn Hữu Cảnh. Ảnh chụp tại Công viên Lịch sử - Văn hóa Dân tộc, TPHCM.

Chiều 19/6, Bí thư Thành ủy TP HCM Đinh La Thăng, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong cùng các đồng chí lãnh đạo Thành ủy, UBND, Ủy ban MTTQVN TPHCM đã đến thắp hương lễ giỗ cúng tiên thường Đức Lễ Thành Hầu Nguyễn Hữu Cảnh tại đền thờ Đức ông trong Công viên Lịch sử - Văn hóa Dân tộc, quận 9, TPHCM.


Bàn thờ Đức Lễ Thành Hầu Nguyễn Hữu Cảnh


Ban tế lễ thực hiện nghi thức cúng tế trong lễ giỗ Đức Lễ Thành Hầu

Nghi lễ giỗ Đức Lễ Thành Hầu Nguyễn Hữu Cảnh được Sở Văn hóa và Thể thao TPHCM tổ chức với dàn nhạc lễ và đờn ca tài tử Nam Bộ. Bên cạnh đó, Trung tâm Thông tin Triển lãm Thành phố cũng tổ chức triển lãm hình ảnh, tư liệu về Đức Lễ Thành Hầu Nguyễn Hữu Cảnh phục vụ nhân dân đến xem và thể hiện sự tri ân đối với người đã có công khai mở vùng đất này.

Đền thờ Đức Lễ Thành Hầu Nguyễn Hữu Cảnh được khởi công xây dựng nhân kỷ niệm 40 năm ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975– 30/4/2015); Đền được xây dựng trong không gian quy hoạch nối liền với Khu tưởng niệm các Vua Hùng – không gian thiêng liêng tôn vinh các bậc tiền hiền có công dựng nước và giữ nước sẽ là địa chỉ giáo dục lịch sử, văn hóa; khơi dậy truyền thống yêu nước, niềm tự hào dân tộc trong nhân dân, đặc biệt là thế hệ trẻ.


Các bạn trẻ xem triển lãm ảnh về Đức Lễ Thành Hầu Nguyễn Hữu Cảnh. Ảnh: Quốc Thanh


Giáo viên và học sinh Trường PTTH Nguyễn Hữu Cảnh, quận Bình Tân chụp ảnh lưu niệm tại Lễ khánh thành Đền thờ. Ảnh: Quốc Thanh

---------------------------------------

Đức Lễ Thành Hầu Nguyễn Hữu Cảnh sinh năm 1650, tại xã Vạn Ninh, huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình; ông là vị danh tướng xuất sắc có công lớn trong giai đoạn khai phá và giữ nước ở phương Nam.

Tháng 2 năm Mậu Dần (1698), chúa Nguyễn Phúc Chu cử Thống suất Nguyễn Hữu Cảnh vào Nam kinh lược, đóng bản doanh tại Cù Lao Phố (Đồng Nai). Tại đây ông đã thi hành việc định đất, an dân, giúp dân chúng an cư lạc nghiệp. Về hành chính ông lấy xứ Đồng Nai lập huyện Phước Long, dựng dinh Trấn Biên (Biên Hoà); lấy xứ Sài Côn lập huyện Tân Bình, dựng dinh Phiên Trấn (Sài Gòn); mỗi dinh đặt chức Lưu thủ, Cai bạc và Ký lục để cai trị. Đây được xem là cột mốc có sự hiện diện chính thức của chính quyền Chúa Nguyễn ở vùng đất mới lâu nay do lưu dân Việt đến khai hoang, lập ấp và tự quản; đây cũng là năm được lấy làm năm khai sinh vùng đất Sài Gòn xưa, tức TPHCM ngày nay.

Đánh giá việc làm này, Học giả Trần Bạch Đằng nhận xét: Ý nghĩa quan trọng nhất là ở chỗ dân lưu tán được thừa nhận là công dân của nước Việt Nam, ruộng đất khai hoang được vào sổ bộ chính thức, làng mạc được bảo vệ như mọi làng mạc khác của Việt Nam.

---------------------------------------

Một số hình ảnh Đền thờ Đức Lễ Thành Hầu Nguyễn Hữu Cảnh tại Công viên Lịch sử - Văn hóa Dân tộc, quận 9, TPHCM:


Phối cảnh Đền thờ Đức Lễ Thành Hầu Nguyễn Hữu Cảnh tại Khu II, Công viên Lich sử - Văn hóa Dân tộc, quận 9, TP Hồ Chí Minh.


Đền thờ được xây dựng bằng gỗ tự nhiên, nền lót gạch nung, lợp mái ngói, kiến trúc thân thuộc với truyền thống dân tộc.


Hoa văn trên cánh cửa mô phỏng hình dạng chiếc lá dừa nước mạnh mẽ vươn lên như một biểu tượng của vùng đất phù sa phương Nam. Khi sống, ông là người có công khai mở đất, bảo vệ nhân dân; khi mất, ông là thần thiêng của vùng đất này.


Đền tưởng niệm các Vua Hùng tại Công viên Lich sử - Văn hóa Dân tộc TP Hồ Chí Minh với biểu tượng “Chim Lạc vươn cánh hướng về phương Bắc” biểu thị cho tấm lòng những người con phương Nam vọng về Quốc Tổ, tìm về cội nguồn sức mạnh của dân tộc.

Trí Năng

Liên kết website
Điểm đến
Lượt truy cập
Đang online : 7
Lượt truy cập: 570614