Chủ Nhật 24/11/2024 12:34 GMT+7

Lễ giỗ lần thứ 188 và lễ công bố đổi tên đường mang tên Đức Tả quân Lê Văn Duyệt

Ngày đăng: 17/09/2020
(HIEC) - Sáng 16/9 tại tại Di tích lịch sử văn hóa Lăng Lê Văn Duyệt (quận Bình Thạnh), Lễ giỗ lần thứ 188 của Đức Tả quân Lê Văn Duyệt đã được tổ chức trang trọng, thành kính. 
Tham dự Lễ giỗ có đồng chí Nguyễn Thành Phong, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch UBND TPHCM; đồng chí Lê Thanh Liêm, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND Thành phố; đồng chí Tô Thị Bích Châu, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Chủ tịch UBMTTQVN TPHCM cùng lãnh đạo các sở ngành; lãnh đạo quận Bình Thạnh và đông đảo Nhân dân Thành phố.

 Đồng chí Nguyễn Thành Phong, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch UBND TPHCM dâng hương
tại Lễ giỗ Đức Tả quân Lê Văn Duyệt.

Lễ giỗ năm nay diễn ra trong 3 ngày từ 16 đến 18/9 (nhằm ngày 29/7, ngày 1 và 2/8 Âm lịch) với các nghi thức đậm nét văn hóa truyền thống như lễ cúng tiên thường, lễ cúng chánh giỗ theo nghi thức tế lễ tiểu cung đình triều Nguyễn, lễ xây chầu, hát bội... lễ phẩm cúng giỗ gồm trà, rượu, trầu cau, bánh Gia Định xưa cùng các vật phẩm trái cây Nam bộ, các món ăn đặc trưng phương Nam. Trong Lễ giỗ còn có hoạt động hát kỳ yên cầu mưa thuận gió hòa, quốc thái dân an, tưởng nhớ các bậc tiền hiền, các Anh hùng liệt sĩ có công mở mang, bảo vệ đất nước.

Nghi thức cúng tế tại Lễ giỗ Đức Tả quân Lê Văn Duyệt. 
 
Tiết mục hát bội trong lễ giỗ của Đức Thượng công Tả quân Lê Văn Duyệt.

Nghi thức mời trầu trong lễ giỗ của Đức Tả quân Lê Văn Duyệt.

Đức Tả quân Lê Văn Duyệt (1764 - 1832) là bậc đại khai quốc công thần triều Nguyễn, ông hai lần làm Tổng trấn thành Gia Định (giai đoạn 1812 - 1816 và giai đoạn 1820 - 1832). Tả quân Lê Văn Duyệt là người có công lớn an định và phát triển vùng đất phương Nam với những cải cách khai mở, phát triển kinh tế, chăm lo đời sống người dân và bài trừ tham nhũng, để lại dấu ấn đậm nét trong lòng người dân Nam bộ, được truyền nhiều đời đến nay. Nhân dân trong vùng rất tôn kính và đã lập lăng miếu thờ sau khi ông mất. Lăng Lê Văn Duyệt còn gọi là Lăng Ông Bà Chiểu là Di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia. Xung quanh lăng có nhiều con đường mang tên những danh nhân cùng thời, có công mở mang đất nước như: Vũ Tùng, Trịnh Hoài Đức, Phan Văn Trị.

 
Lễ công bố đổi tên đường Đinh Tiên Hoàng thành tên đường Lê Văn Duyệt. 
Dịp này, Quận ủy, HĐND, UBND, UBMTTQ Việt Nam quận Bình Thạnh, TPHCM tổ chức lễ công bố đổi tên đường Đinh Tiên Hoàng đoạn từ Cầu Bông đến đường Phan Đăng Lưu thành đường Lê Văn Duyệt. Việc đặt tên đường Lê Văn Duyệt là sự đánh giá đúng công lao, tài năng của Đức Tả quân với vùng đất Sài Gòn - Gia Định và đối với việc mở mang bờ cõi đất nước.
 
Ngọc Thu - Trí Năng (Ảnh: Quốc Thanh)
Liên kết website
Điểm đến
Lượt truy cập
Đang online : 35
Lượt truy cập: 1321611