Chủ Nhật 24/11/2024 15:33 GMT+7

Khám phá di sản văn hóa và danh thắng Thành phố Hồ Chí Minh tại Festival Tràng An kết nối di sản - Ninh Bình năm 2022

Ngày đăng: 21/11/2022

(HIEC) - Triển lãm “Khám phá di sản văn hóa và danh thắng Thành phố Hồ Chí Minh” diễn ra từ ngày 17 đến 19/11 tại Festival Tràng An kết nối di sản - Ninh Bình năm 2022.

Sài Gòn – Thành phố Hồ Chí Minh với lịch sử hình thành và phát triển hơn 300 năm. Thành phố là nơi lưu giữ nhiều di tích, di sản có giá trị văn hóa lớn; nơi hòa quyện giữa văn hóa dân tộc truyền thống và văn hóa phương Tây hiện đại; các di tích ở đây là sự giao thoa văn hóa của các dân tộc Kinh, Hoa, Khmer, Chăm; tôn giáo, tín ngưỡng cũng hiện hữu đan xen tạo nên sự đặc sắc ở một đô thị năng động bậc nhất ở vùng đất phương Nam.

Triển lãm “Khám phá di sản văn hóa và danh thắng Thành phố Hồ Chí Minh” giới thiệu một số di tích văn hóa – lịch sử, kiến trúc nghệ thuật tiêu biểu trên địa bàn Thành phố đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là Di tích Quốc gia:

* Các Di tích Quốc gia đặc biệt:


Di tích Dinh Độc Lập - Hội trường Thống Nhất khởi công xây dựng năm 1962 theo bản vẽ của Kiến trúc sư Ngô Viết Thụ - Công trình tiêu biểu cho nền kiến trúc đương đại Việt Nam. Đây là nơi ghi dấu sự kiện quan trọng kết thúc Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước vào ngày 30 tháng 4 năm 1975. Công trình được công nhận Di tích Quốc gia đặc biệt, là một trong những địa điểm du lịch không thể thiếu của du khách khi đến Thành phố Hồ Chí Minh.


Được công nhận là Di tích Quốc gia đặc biệt, Địa đạo Củ Chi với chiều dài khoảng 250 km gồm nhiều công trình: Đường hầm, chiến hào, ụ, ổ chiến đấu, hầm ăn, ngủ, hội họp, bếp, giếng nước, kho dự trữ… được thông với nhau hoặc độc lập tùy địa hình tạo nên hệ thống phòng thủ, đánh giặc độc đáo trong lòng đất. Đây là điểm du lịch hấp dẫn tại TP Hồ Chí Minh, nơi giáo dục truyền thống cách mạng, lòng yêu nước đối với thế hệ trẻ.

* Giới thiệu Di tích kiến trúc nghệ thuật, các công trình kiến trúc cổ đô thị gắn với quá trình hình thành, xây dựng Sài Gòn – Thành phố Hồ Chí Minh:


Bảo tàng Thành phố Hồ Chí Minh tọa lạc số 65, đường Lý Tự Trọng, Quận 1 với diện tích khuôn viên rộng 2ha do kiến trúc sư người Pháp Alfred Foulhoux vẽ và thiết kế theo kiểu cổ điển – phục hưng, hoàn thành vào năm 1890.


Nhà hát Thành phố tọa lạc trên đường Đồng Khởi, Quận 1 được hoàn thành vào năm 1900. Kiến trúc đặc trưng của Nhà hát là sự phối hợp khéo léo giữa kiến trúc và điêu khắc theo phong cách Gothique thịnh hành tại Pháp thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20. Đây là địa điểm biểu diễn văn hóa nghệ thuật và tổ chức các sự kiện của Thành phố Hồ Chí Minh.


Chùa Giác Lâm là di tích kiến trúc nghệ thuật cấp Quốc gia được khởi công xây dựng từ năm 1744. Chùa là một bảo tàng nhỏ lưu giữ nhiều tác phẩm điêu khắc được chạm trổ tinh xảo do chính tay những người thợ Sài Gòn thực hiện và là một trong những ngôi chùa cổ nhất của Thành phố Hồ Chí Minh.

* Trưng bày ảnh nghệ thuật về những khu di tích lịch sử, văn hóa, danh lam thắng cảnh, bảo tồn của Thành phố Hồ Chí Minh:


Nằm ở khu vực trung tâm Thành phố Hồ Chí Minh, chợ Bến Thành (xưa là Chợ Mới Sài Gòn) được xây dựng từ năm 1912 đến 1914 đã trở thành biểu tượng của Sài Gòn. Với hàng hóa phong phú, đa dạng, chất lượng, hơn 100 năm qua, chợ luôn là một trung tâm thương mại phồn thịnh của Sài Gòn - Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh Nam Bộ. (Tranh vẽ của họa sĩ Phạm Công Tâm).


Chợ Bình Tây là chợ đầu mối bán buôn hàng hóa lớn của Thành phố Hồ Chí Minh và cũng là nơi thu hút nhiều du khách trong và ngoài nước tham quan, được công nhận Di tích kiến trúc nghệ thuật cấp Thành phố năm 2017. (Tranh vẽ của họa sĩ Phạm Công Tâm)

* Giới thiệu các lễ hội dân gian như Lễ hội Nghinh Ông, Lễ hội Nguyên Tiêu của Người Hoa Quận 5, Lễ hội Khai Hạ - Cầu An tại Lăng Đức Tả quân Lê Văn Duyệt, quận Bình Thạnh, Thành phố Hồ Chí Minh… đã được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia với nhiều nghi thức dân gian truyền thống gắn liền với các hoạt động văn hóa, ẩm thực, sinh hoạt tín ngưỡng vẫn được người dân Thành phố Hồ Chí Minh giữ gìn, duy trì và phát triển.


Hàng năm, vào ngày Rằm tháng 8 Âm lịch, Nhân dân huyện Cần Giờ - Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức Lễ “Nghinh Ông” (Ông Cá Voi) - nét văn hóa dân gian đã trở thành truyền thống tín ngưỡng của người dân vùng biển, được công nhận Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia. Trong ảnh: Lễ rước Bằng xếp hạng Di tích Kiến trúc Nghệ thuật cấp Thành phố Lăng Ông Thủy Tướng và Chứng nhận Lễ hội Nghinh Ông huyện Cần Giờ là Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia, năm 2012.


Lễ hội Nguyên Tiêu còn gọi là Tết Thượng nguyên, Lễ hội đèn hoa hay Hội hoa đăng diễn ra vào dịp Rằm tháng Giêng Âm lịch, được xem là ngày lễ cổ truyền, thiêng liêng nhất, có ý nghĩa cầu bình an, tài lộc đầu năm mới. Bên cạnh các sinh hoạt tín ngưỡng còn có biểu diễn ca kịch tại các Hội quán, chương trình diễu hành nghệ thuật đường phố, các trò chơi dân gian… tạo nên tính dân tộc, bản sắc của cộng đồng người Hoa tại Thành phố Hồ Chí Minh. Ảnh: Lễ đón bằng công nhận Di sản văn hóa phi vật thể cấp Quốc gia “Tập quán xã hội và tín ngưỡng Tết Nguyên Tiêu của người Hoa Quận 5”, ngày 05 tháng 7 năm 2020.

Bên cạnh những hình ảnh về di sản văn hóa - lịch sử, triển lãm của TP Hồ Chí Minh tại Festival Tràng An kết nối di sản - Ninh Bình năm 2022 cũng quảng bá Thành phố Hồ Chí Minh với hình ảnh điểm đến hấp dẫn, an toàn và thân thiện. Với vị thế là thành phố đầu tàu kinh tế, trung tâm văn hóa - xã hội, du lịch lớn của cả nước, ngành du lịch Thành phố Hồ Chí Minh chú trọng nâng cao chất lượng dịch vụ, đầu tư phát triển sản phẩm mới độc đáo gắn với kết nối các di sản văn hóa – lịch sử trên địa bàn nhằm tăng sự trải nghiệm của du khách về nét đẹp của danh thắng và con người Thành phố.

Triển lãm giới thiệu các sản phẩm du lịch khám phá lịch sử, kiến trúc và nghề truyền thống, du lịch đường thủy, du lịch giải trí - ẩm thực - du lịch về đêm, du lịch sinh thái,…; các sản phẩm du lịch liên vùng; đa dạng hóa sản phẩm dịch vụ để thu hút du khách đến với Thành phố Hồ Chí Minh; các hoạt động đón chào khách nội địa và quốc tế, các sự kiện du lịch, lễ hội, hội chợ…. được tổ chức tại Thành phố Hồ Chí Minh bảo đảm nguyên tắc an toàn cho khách du lịch, góp phần tăng cường xúc tiến du lịch trong nước, phát triển bền vững, ổn định lâu dài của ngành du lịch Thành phố nói riêng và cả nước nói chung.


Đường hoa tổ chức trên đường đi bộ Nguyễn Huệ đã trở thành một nét đẹp văn hóa, thu hút người dân Thành phố cũng như khách du lịch mỗi dịp Xuân về.


Biểu diễn Đờn ca tài tử tại Chợ Hoa Xuân “Trên bến dưới thuyền” Tết Nhâm Dần 2022 tổ chức trên Bến Bình Đông – Kênh Tàu Hũ, Quận 8, Thành phố Hồ Chí Minh.


Công viên Bến Bạch Đằng được khánh thành vào ngày 17 tháng 3 năm 2022 có chiều dài 1,3km, rộng 23.400m2, nằm dọc theo trục đường Tôn Đức Thắng bên bờ sông Sài Gòn, gần với các công trình lịch sử, địa điểm du lịch nổi tiếng như Bến Nhà Rồng, phố đi bộ Nguyễn Huệ, Công viên Mê Linh, bến tàu cao tốc… góp phần tạo không gian sinh hoạt công cộng, khai thác phát triển du lịch đường sông Thành phố.


Tiết mục biểu diễn Đoàn Thành phố Hồ Chí Minh trong đêm khai mạc Festival Tràng An kết nối di sản - Ninh Bình năm 2022. Ảnh: Quốc Thanh.


Các nghệ nhân biểu diễn đờn ca tài tử tại khu vực gian triển lãm của TP Hồ Chí Minh. Ảnh: Quốc Thanh. 
 
Thu Mun – Trí Năng
Ảnh: Quốc Thanh
 
 
Liên kết website
Điểm đến
Lượt truy cập
Đang online : 33
Lượt truy cập: 1322686