Chủ Nhật 24/11/2024 12:26 GMT+7

Hội thảo khoa học và trưng bày chuyên đề về nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam Bộ

Ngày đăng: 08/12/2023

(HIEC) - Ngày 8/12, Sở Văn hóa và Thể thao Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức hội thảo khoa học “Bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam Bộ" và trưng bày chuyên đề “Đờn ca tài tử Nam Bộ - Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại" tại Bảo tàng Hồ Chí Minh - Chi nhánh Thành phố Hồ Chí Minh. Đến dự có đồng chí Trần Thế Thuận, Thành ủy viên, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Thành phố.

Quang cảnh buổi hội thảo khoa học.

Hội thảo là một trong chuỗi các hoạt động kỷ niệm 10 năm UNESCO ghi danh nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam Bộ là Di sản văn hoá phi vật thể đại diện của nhân loại (05/12/2013 - 05/122023).

Tại hội thảo, các đại biểu đã tập trung thảo luận về hoạt động thực hành, sáng tác và trình diễn trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh Nam bộ với các nhóm nội dung: Hoạt động sáng tác lời mới cho đờn ca tài tử trong giai đoạn hiện nay; hoạt động đờn ca tài tử trong học đường; công tác truyền dạy, những thuận lợi và khó khăn trong việc đào tạo nghệ nhân đờn; hoạt động trình diễn nghệ thuật đờn ca tài tử; vấn đề khai thác hoạt động đờn ca tài tử gắn với du lịch…

Các đại biểu trình bày bài tham luận về các giải pháp, hiến kế trong công tác bảo tồn và phát huy nghệ thuật đờn ca tài tử.

Bên cạnh đó, việc thực hành đờn ca tài tử đang gặp nhiều khó khăn, hạn chế như: chủ yếu phát triển mạnh ở ngoại thành và trong tầng lớp trung niên; tình trạng “già hóa” hội viên các câu lạc bộ đờn ca tài tử đang diễn ra mạnh; lực lượng nghệ nhân chơi nhạc cụ ngày càng khan hiếm, nhất là đờn cò, kìm, tranh, bầu; chế độ hỗ trợ cho nghệ nhân có hoàn cảnh khó khăn chưa phù hợp; hoạt động sáng tạo mới về bài bản, nhạc khí chưa được chú trọng; đội ngũ kế thừa trong độ tuổi thanh thiếu nhi không nhiều; một số câu lạc bộ khó duy trì sinh hoạt thường xuyên do thiếu nghệ nhân đờn, tài chính và địa điểm thực hành truyền dạy; chưa có không gian trình diễn đúng với tính chất của đơn ca tài tử.

Các đại biểu chia sẻ những khó khăn trong công tác bảo tồn và phát huy nghệ thuật đờn ca tài tử.

Kết luận hội thảo, ông Võ Trọng Nam, Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, các đóng góp tâm huyết của đại biểu đã giúp định ra hướng đi mới, phù hợp với yêu cầu phát triển bền vững nghệ thuật đờn ca tài tử trong điều kiện thực tiễn của Thành phố Hồ Chí Minh. Qua đó, tiếp tục đổi mới, bứt phá vươn lên, thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra cũng như nâng cao chất lượng hoạt động đờn ca tài tử của Thành phố.

Ông Võ Trọng Nam đề nghị các đơn vị cần chú trọng thực hiện tốt việc nghiên cứu chính sách truyền dạy để tạo đội ngũ kế thừa, đặc biệt là đội ngũ đờn, trong đó chú trọng đến đối tượng học sinh, sinh viên; đẩy mạnh hoạt động sáng tạo mới về bài bản, nhạc khí; tăng cường đầu tư các nguồn lực để các câu lạc bộ duy trì sinh hoạt; nghiên cứu tạo ra không gian trình diễn đúng với tính chất đa dạng và độc đáo của đờn ca tài tử, gắn kết hoạt động đờn ca tài tử với phát triển du lịch.

Các đại biểu tham quan khu vực trưng bày chuyên đề: “Đờn ca tài tử Nam Bộ - Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại”.

Các nghệ sĩ tham gia biểu diễn nghệ thuật đờn ca tài tử tại Bảo tàng Hồ Chí Minh - Chi nhánh Thành phố Hồ Chí Minh.

Dịp này, Ban tổ chức trưng bày chuyên đề “Đờn ca tài tử Nam Bộ - Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại” với hơn 120 tư liệu, hình ảnh và hiện vật. Nội dung gồm 3 phần: Đờn ca tài tử Nam Bộ - Quá trình hình thành và phát triển; Đờn ca tài tử Nam Bộ - Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại trong đời sống văn hóa của người dân Thành phố Hồ Chí Minh; Sự quan tâm của Đảng và Nhà nước đối với Đờn ca tài tử Nam Bộ.

Chuyên đề trưng bày từ ngày 8/12/2023 đến 31/1/2024 tại Bảo tàng Hồ Chí Minh - Chi nhánh Thành phố Hồ Chí Minh.

Thu Mun – Trí Năng

Ảnh: Quốc Thanh

Liên kết website
Điểm đến
Lượt truy cập
Đang online : 37
Lượt truy cập: 1321554