Xem nhiều nhất
-
Phát động thi sáng tác tranh cổ động kỷ niệm 50 năm cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân
-
Khai mạc sự kiện Ngôi làng ASEAN tại Thành phố Hồ Chí Minh năm 2017
-
TPHCM tổ chức Cuộc thi và Liên hoan Âm nhạc dân tộc quốc tế lần I
-
Thay đổi ‘lối nghĩ, cách làm’ trong đào tạo văn hoá, nghệ thuật
-
Cô Ba Sài Gòn đến Liên hoan phim Quốc tế Busan 2017
Cải lương Thái hậu Dương Vân Nga: Dấu ấn đẹp trong lòng khán giả
Ngày đăng: 14/05/2018SGGP - Tối 13-5 tại Nhà hát Bến Thành, vở cải lương Thái hậu Dương Vân Nga (tác giả Trúc Đường, chuyển thể cải lương Chi Lăng - Hoa Phượng) đã đến với đông đảo khán giả mộ điệu.
Một cảnh trong vở Thái hậu Dương Vân Nga
Nội dung xuyên suốt vở diễn, nối kết tinh thần của các nhân vật lịch sử luôn là lòng yêu nước, nỗi trăn trở vì vận mệnh nước nhà. Vua Đinh Tiên Hoàng vừa mất, thái tử còn nhỏ, Thái hậu Dương Vân Nga phải nhiếp chính, điều hành đất nước với sự hỗ trợ, giúp sức của quần thần. Giặc ngoại bang kéo quân sang xâm chiếm nước Nam với lực lượng đông đảo. Tinh thần quyết tâm chống giặc ngoại xâm của quân ta được thể hiện qua từng nhân vật trong câu chuyện lịch sử ấy.
Việc quân xâm lược đòi phải giao nộp long bào của vua Đinh Tiên Hoàng khiến triều đình phải nhiều phen họp bàn, tranh luận căng thẳng. Xuất hiện tư tưởng cầu hòa để an dân, đồng thời để giữ yên ngôi vua của dòng họ Đinh… Khí phách của thái hậu đương triều thể hiện qua những lời khẳng định chủ quyền: “Đất này có chủ, nước này có vua”, “Long bào tuy là gấm lụa mong manh nhưng là uy quyền của xã tắc”. Khí tiết hừng hực ấy còn thể hiện qua lời khẳng định của tướng quân Lê Hoàn: “Nếu hôm nay ta nộp long bào, ngày mai giặc sẽ đòi ta nộp sơn hà xã tắc. Chừng đó giang sơn Đại Cồ Việt sẽ bị chà đạp dưới gót giặc ngoại xâm…”.
Tinh thần yêu nước ấy cứ lan tỏa, đi sâu vào tâm tư khán giả. Người xem ủng hộ, cổ vũ vở diễn vì sức sống tinh thần yêu nước bất diệt của ông cha ta. Tuy có khoảng cách về thời gian, nhưng tinh thần ấy, những câu nói khẳng định chủ quyền đất nước thời ấy, đến hôm nay vẫn nóng hổi tính thời sự, hợp lòng dân.
Góp sức làm nên đêm diễn ý nghĩa này chính là nhiệt huyết của đạo diễn Hoa Hạ. Tác phẩm Thái hậu Dương Vân Nga bản dựng mới vẫn bám sát kịch bản gốc của tác giả Hoa Phượng, Chi Lăng, Hoàng Việt, Thể Hà Vân (phỏng theo kịch bản chèo của tác giả Trúc Đường). Bản dựng mới có sự gọn gàng, tiết tấu nhanh, không gian sân khấu đa sắc, nhiều hành động, phù hợp với tâm lý, nhu cầu thưởng thức nghệ thuật cải lương của khán giả hôm nay.
Bên cạnh đó là sự nhiệt tình và nỗi đam mê sân khấu của Kim Ngân - con gái cố nghệ sĩ Kim Ngọc. Dù là một doanh nhân, nhưng chị vẫn không quên được ánh đèn sân khấu. Nhiều năm qua, chị đứng phía sau ủng hộ sân khấu Lê Hoàng sáng đèn, rồi năm nay lại đầu tư làm vở Thái hậu Dương Vân Nga, dù biết chắc sẽ lỗ. Trong vai diễn Thái hậu Dương Vân Nga ở màn 3 và 4, nghệ sĩ Kim Ngân đã rất nỗ lực hoàn thành tốt một vai diễn nặng ký.
Vở diễn hấp dẫn còn nhờ tài năng ca diễn đặc sắc của các NSƯT Phượng Loan, Lê Tứ, Quỳnh Hương, màn vũ đạo đẹp mắt của nghệ sĩ Chí Linh, sự lôi cuốn trong ca diễn của cặp nghệ sĩ Điền Trung - Thanh Thảo, nét hài duyên của Gia Bảo. Các diễn viên Đại Nghĩa, Xuân Trúc, ca sĩ Phương Thanh, Quốc Đại - những người “ngoại đạo” của sân khấu cải lương, cũng có nhiều cố gắng để lại dấu ấn đẹp trong lòng khán giả.
THÚY BÌNH
Tin liên quan
- Vở nhạc kịch của hòn đảo ngục tù (18/02/2019)
- Món quà dành cho công chúng yêu thi ca, nghệ thuật (18/02/2019)
- Quản lý nghệ thuật biểu diễn - sẽ thoáng hơn? (18/02/2019)
- Hy vọng sân khấu thành phố khởi sắc (18/02/2019)
- Khẩn trương có phương án di dời sân khấu Sen Hồng ở công viên 23-9 (18/02/2019)
- Hát bội chào xuân với Lễ khai hạ - Cầu an (15/02/2019)
- Sân khấu TPHCM: Đề tài văn học, lịch sử ghi điểm (15/02/2019)
- Đường sách Tết Kỷ Hợi 2019 và Đường sách TPHCM đạt doanh thu hơn 4 tỷ đồng (15/02/2019)
- Xu hướng làm sách: Chạy theo hay dẫn đầu? (15/02/2019)
- Đường Sách Tết Kỷ Hợi 2019 thu hút gần 700.000 lượt khách tham quan (14/02/2019)