Thứ Tư 24/04/2024 19:55 GMT+7

Triển lãm Kỷ niệm 70 năm Cách mạng tháng Tám và Quốc khánh 2-9

Ngày đăng: 09/09/2015
Triển lãm Kỷ niệm 70 năm Cách mạng tháng Tám (19/8/1945 – 19/8/2015) và Quốc khánh nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (2/9/1945 – 2/9/2015) tại phố đi bộ đường Nguyễn Huệ, từ ngày 30/8/2015 đến 5/9/2015.
Ngày 3 tháng 2 năm 1930, tại Hương Cảng (Trung Quốc), Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời từ sự hợp nhất ba tổ chức Cộng sản trong nước thành một Đảng thống nhất.
Tranh: Đồng chí Nguyễn Ái Quốc chủ trì Hội nghị thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam.
Sau khi Đảng Cộng sản Việt Nam được thành lập, cao trào cách mạng 1930 – 1931 mà tiêu biểu là phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh bùng lên mạnh mẽ. Đây là cuộc tổng diễn tập đầu tiên của Đảng và giai cấp công nhân, nhân dân lao động chuẩn bị cho cuộc Tổng khởi nghĩa Cách mạng Tháng Tám năm 1945.
Từ năm 1936 đến năm 1939, phong trào đấu tranh đòi dân sinh, dân chủ được xem là cuộc tập dượt lần thứ hai chuẩn bị cho Tổng khởi nghĩa Tháng Tám năm 1945. Nhiều cuộc mít tinh, biểu tình của nhân dân đã diễn ra khắp các địa phương, buộc chính quyền thực dân Pháp phải nhượng bộ một số yêu sách về dân sinh, dân chủ.
Đêm 22 rạng sáng ngày 23 tháng 11 năm 1940, dưới sự lãnh đạo của Xứ ủy Nam kỳ, nhân dân đã vùng lên đấu tranh cách mạng, khởi nghĩa chống thực dân Pháp và phát xít Nhật, thể hiện ý chí quyết tâm giành độc lập của người dân Nam bộ.
Sự phát triển mạnh mẽ các phong trào đấu tranh của quần chúng và tổ chức vũ trang quần chúng đòi hỏi cách mạng Việt Nam phải có một đội quân chủ lực thống nhất về mặt tổ chức. Sau thời gian khẩn trương chuẩn bị, ngày 22 tháng 12 năm 1944, Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân được thành lập theo chỉ thị của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Ngày 1 tháng 6 năm 1945, tổ chức Thanh niên Tiền phong ra đời ở Nam Bộ. Đây là phong trào thanh niên hoạt động theo định hướng của Đảng, có vai trò tích cực trong quá trình vận động, tập hợp lực lượng thanh niên chuẩn bị cho cuộc Tổng khởi nghĩa Tháng Tám năm 1945.
Dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, từ ngày 14 đến ngày 18 tháng 8 năm 1945, cuộc Tổng khởi nghĩa nổ ra giành thắng lợi ở nông thôn đồng bằng Bắc Bộ, đại bộ phận miền Trung, một phần miền Nam và các thị xã: Bắc Giang, Hải Dương, Hà Tĩnh, Hội An, Quảng Nam, Quảng Ngãi...
Ảnh: Du kích Ba Tơ tuyên thệ trước khi tiến vào giải phóng thị xã Quảng Ngãi, năm 1945.
Ngày 19 tháng 8 năm 1945, nhân dân Hà Nội cùng với lực lượng vũ trang đứng lên giành chính quyền.
Ảnh: Quang cảnh buổi mít tinh phát động khởi nghĩa giành chính quyền do Việt Minh tổ chức tại Nhà hát lớn Hà Nội.
Lực lượng vũ trang và các tầng lớp nhân dân Hà Nội đánh chiếm Bắc Bộ Phủ, giành chính quyền về tay nhân dân trong cuộc Tổng khởi nghĩa Cách mạng Tháng Tám năm 1945.
Ngày 25 tháng 8 năm 1945, khởi nghĩa thắng lợi ở Sài Gòn – Gia Định, Kon Tum, Sóc Trăng, Vĩnh Long,...
Ảnh: Nhân dân Sài Gòn đấu tranh giành chính quyền trong cuộc Tổng khởi nghĩa Cách mạng Tháng Tám năm 1945.
Nhân dân ngoại thành với tầm vông vạt nhọn kéo vào nội thành tham gia Tổng khởi nghĩa ở Sài Gòn, năm 1945.
Chỉ trong vòng 15 ngày cuối tháng 8 năm 1945, cuộc Tổng khởi nghĩa Cách mạng Tháng Tám đã giành thắng lợi hoàn toàn, đưa nước ta từ một nước thuộc địa nửa phong kiến trở thành một nước độc lập và dân chủ.
Ảnh: Ngày 30 tháng 8 năm 1945, Lễ duyệt binh của Quân giải phóng và Tự vệ Thành được tổ chức tại Quảng trường Nhà hát lớn Hà Nội trong niềm hân hoan, phấn khởi của đồng bào cả nước.
Ngày 2 tháng 9 năm 1945, tại Quảng trường Ba Đình (Hà Nội), Chủ tịch Hồ Chí Minh thay mặt Chính phủ Lâm thời trịnh trọng đọc bản Tuyên ngôn Độc lập, tuyên bố trước quốc dân và thế giới về sự ra đời của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (nay là nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam).
Ngày 16 tháng 9 năm 1945, đông đảo các tầng lớp nhân dân xếp hàng lên lễ đài đóng góp vàng vào Quỹ độc lập theo lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Không từ bỏ dã tâm xâm lược, ngày 23 tháng 9 năm 1945, thực dân Pháp đưa 6.000 quân viễn chinh theo gót quân Anh đổ bộ lên Sài Gòn. Hưởng ứng lời kêu gọi của Ủy ban kháng chiến Nam Bộ, nhân dân miền Nam tiếp tục đứng lên đánh đuổi thực dân Pháp.
Ảnh: Phụ nữ Sài Gòn biểu tình phản đối quân đội Anh trong lúc làm nhiệm vụ giải giáp phát xít Nhật đã cung cấp vũ khí cho thực dân Pháp gây hấn ở Sài Gòn, ngày 23 tháng 9 năm 1945.
Phát huy tinh thần Cách mạng Tháng Tám năm 1945, cả dân tộc Việt Nam đứng lên đoàn kết một lòng đánh đuổi thực dân Pháp xâm lược và bảo vệ miền Bắc xây dựng chủ nghĩa xã hội.
Ảnh: Nhân dân Hà Nội mít tinh ủng hộ Nam bộ kháng chiến, năm 1945.
Đoàn quân Nam tiến xuất phát từ ga Hà Nội vào chiến trường miền Nam chống thực dân Pháp, tháng 10 năm 1945.
Ngày 8 tháng 10 năm 1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh dự lễ khai giảng lớp học đầu tiên đào tạo cán bộ phụ trách Bình dân học vụ các tỉnh Bắc Bộ. Bác phát biểu “Chống nạn thất học cũng quan trọng như chống giặc ngoại xâm”.
Ngày 6 tháng 01 năm 1946, bất chấp sự phá hoại, khủng bố của kẻ thù, cuộc Tổng tuyển cử đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa được tiến hành, với khoảng 90% tổng cử tri đi bỏ phiếu. Nhân dân cả nước đã bầu 333 đại biểu vào Quốc hội đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.
Ảnh: Nhân dân Nam bộ hăng hái tham gia bầu cử Quốc hội nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, ngày 6 tháng 1 năm 1946.
Chủ tịch Hồ Chí Minh chụp ảnh cùng đại biểu các nước Đồng minh tại Lễ ký kết Hiệp định Sơ bộ Việt – Pháp, trong đó nước Pháp công nhận nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa là một nước tự do, có chính phủ, nghị viện, quân đội, tài chính…, ngày 6 tháng 3 năm 1946.
Ngày 29 tháng 5 năm 1946, Hội Liên hiệp Quốc dân (gọi tắt là Liên Việt) được thành lập nhằm đoàn kết tất cả các Đảng phái, không phân biệt giai cấp, tôn giáo, xu hướng chính trị, chủng tộc vì nước Việt Nam độc lập, thống nhất, dân chủ và phú cường.
Nhân dân phố Mai Hắc Đế (Hà Nội) dựng chướng ngại vật trên đường phố cản bước tiến của quân đội Pháp trong những ngày đầu Toàn quốc kháng chiến, tháng 12 năm 1946.
Nông dân Nam Bộ được chính quyền nhân dân chia ruộng đất sản xuất trong vùng giải phóng, năm 1950.
Ngày 7 tháng 5 năm 1954, chiến dịch Điện Biên Phủ toàn thắng, thực dân Pháp buộc phải ký Hiệp định Giơ-ne-vơ, rút quân về nước.
Ảnh: Các chiến sĩ mừng chiến thắng ngay trên xác máy bay địch bị bắn rơi trên cánh đồng Mường Thanh, năm 1954.
Sau Hiệp định Giơ-ne-vơ, Mỹ nhảy vào miền Nam dựng lên chính phủ bù nhìn Ngô Đình Diệm, đàn áp phong trào cách mạng và chia cắt nước ta. Năm 1960, phong trào Đồng Khởi bùng lên ở Bến Tre rồi nhanh chóng lan rộng khắp miền Nam.
Ảnh: Đội quân tóc dài Bến Tre biểu tình chống Mỹ - Diệm.
Từ giữa năm 1965 đến năm 1968, quân ta chiến thắng oanh liệt trên khắp chiến trường ở cả hai miền Nam Bắc, đập tan chiến lược “chiến tranh cục bộ” của địch.
Ảnh: Sào huyệt của Mỹ - Ngụy ở Sài Gòn bị quân giải phóng đốt cháy trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân năm 1968.
Bị thất bại nặng nề trên các chiến trường, ngày 18 tháng 12 năm 1972, Tổng thống Mỹ Giôn-Xơn đã huy động hàng ngàn lượt máy bay điên cuồng đánh phá Hà Nội, Hải Phòng… Quân và dân miền Bắc đã ngoan cường chiến đấu, bắn rơi 4.181 máy bay, bắt sống hàng trăm giặc lái Mỹ, lập nên những chiến công vang dội “Điện Biên Phủ trên không”.
Ảnh: Đại đội 4 pháo cao xạ của quân ta chiến đấu dũng cảm bảo vệ Thủ đô Hà Nội, năm 1972.
Ngày 27 tháng 01 năm 1973, Hiệp định Pa-ri về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam đã chính thức được ký kết, buộc Mỹ phải rút quân về nước.
Ảnh: Đoàn Đại biểu Chính phủ lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam do bà Nguyễn Thị Bình – Bộ trưởng Bộ Ngoại giao làm Trưởng đoàn tham dự Hội nghị Pa-ri.
Tháng 01 năm 1975, Bộ Chính trị quyết định mở chiến dịch Hồ Chí Minh giải phóng miền Nam. Với sức tấn công như vũ bão, quân ta nhanh chóng giải phóng Buôn Mê Thuột, Thừa Thiên - Huế, sau đó tiến vào giải phóng Đà Nẵng.
Ảnh: Các Trung đoàn, Sư đoàn chủ lực của ta phối hợp tấn công vào thị xã Buôn Ma Thuột.
Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975 với đỉnh cao là chiến dịch Hồ Chí Minh đã kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, đưa dân tộc ta bước vào kỷ nguyên độc lập, thống nhất và đi lên chủ nghĩa xã hội.
Ảnh: Nhân dân Sài Gòn chào đón quân giải phóng trong niềm vui chiến thắng, ngày 30 tháng 4 năm 1975.
Thiếu nhi Thành phố hân hoan hát mừng Lễ Khánh thành và báo cáo với Nhân dân, Đảng bộ thành phố về hoàn thành xây dựng Tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh nhân kỷ niệm 125 năm Ngày sinh của Bác (19/5/1890 - 19/5/2015).
Tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh đặt trước trụ sở Hội đồng Nhân dân - Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh.
Trong quá trình phát triển kinh tế, Thành phố Hồ Chí Minh chủ trương đẩy mạnh mối quan hệ hữu nghị, hợp tác với các nước trên thế giới nhằm thu hút đầu tư nước ngoài vào Thành phố.
Ảnh: Đồng chí Lê Thanh Hải, Ủy viên Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, Đại biểu Quốc hội, Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh tiếp Thị trưởng Thành phố Busan – Hàn Quốc, ngày 24 tháng 7 năm 2015 (Ảnh: Quốc Thanh).
Đồng chí Lê Hoàng Quân, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh ký kết biên bản thảo luận về hợp tác nông nghiệp giữa Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh và Bộ Nông, lâm, ngư nghiệp Nhật Bản, ngày 20 tháng 01 năm 2015 (Ảnh: Quốc Thanh).
Ngày 4 tháng 9 năm 2014, đồng chí Nguyễn Thị Quyết Tâm, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân cùng đoàn đại biểu Thành phố Hồ Chí Minh đến thăm và làm việc tại Thành phố kết nghĩa San Francisco, bang California.
Đồng chí Nguyễn Phú Trọng, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam làm việc với cán bộ chủ chốt Thành phố Hồ Chí Minh, kiểm tra tình hình thực hiện Nghị quyết Đại hội XI của Đảng, ngày 29 tháng 3 năm 2013 (Ảnh: Việt Dũng).
Đồng chí Lê Thanh Hải, Ủy viên Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, Đại biểu Quốc hội, Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh tiếp xúc với cử tri Quận 10 (Ảnh: Việt Dũng).
Đồng chí Lê Hoàng Quân, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh kiểm tra việc thực hiện cải cách hành chính tại Ủy ban nhân dân Quận 1 (Ảnh: Việt Dũng).
Hội đồng nhân dân Thành phố tổ chức chương trình “Lắng nghe và trao đổi” phát sóng trên Đài truyền hình Thành phố hàng tháng (Ảnh: Xuân Đặng).
Các đơn vị xuất sắc trong phong trào thi đua năm 2014 vinh dự nhận Cờ thi đua của Chính phủ do đồng chí Nguyễn Xuân Phúc, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam trao tặng tại Đại hội Thi đua yêu nước Thành phố Hồ Chí Minh lần thứ VI – năm 2015 (Ảnh: Hữu Luận).
Lễ biểu dương tập thể, cá nhân thực hiện tốt Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh (2013 - 2014) do Thành ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức (Ảnh: Hữu Luận).
Lãnh đạo Thành phố chúc mừng các cá nhân được tuyên dương “Công dân trẻ tiêu biểu thành phố Hồ Chí Minh” năm 2014. (Ảnh: Quốc Thanh).
Tiếp bước cha anh, tuổi trẻ Thành phố lên đường thực hiện nghĩa vụ quân sự, góp phần giữ vững quốc phòng – an ninh của Tổ quốc.
Ảnh: Chiến sĩ mới lên đường nhập ngũ tại Lễ giao quân nghĩa vụ quân sự năm 2014 (Ảnh: Phạm Cao Minh).
Lực lượng Công an Thành phố Hồ Chí Minh diễn tập trấn áp khủng bố bắt cóc con tin tại Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất, năm 2013.
Chương trình diễu binh, diễu hành chào mừng kỷ niệm 40 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 – 30/4/2015) tại khu vực lễ đài công viên 30/4 (Ảnh: Kiến Quốc).
Sản xuất chip máy tính tại Nhà máy Intel Việt Nam (Khu Công nghệ cao, Quận 9 - Thành phố Hồ Chí Minh) (Ảnh: Hữu Luận).
Công nhân làm việc tại Công ty Furukawa Automotive Parts (Việt Nam) với 100% vốn Nhật Bản chuyên sản xuất bộ dây điện trong xe hơi tại Khu Chế xuất Tân Thuận - Quận 7 (Ảnh: Phạm Thị Thu).
Kiểm tra quy trình cấy mô nhân giống các loại cây trồng chất lượng cao tại Khu Nông nghiệp Công nghệ cao Thành phố Hồ Chí Minh (Ảnh: Hữu Luận).
Mô hình chăn nuôi bò sữa với các trang thiết bị hiện đại trên địa bàn các xã Nông thôn mới huyện Hóc Môn, Củ Chi đã và đang phát triển, trở thành thế mạnh đặc biệt của ngành nông nghiệp thành phố (Ảnh: Hữu Luận).
Người dân mua sắm tại hệ thống siêu thị của Tổng Công ty Thương mại Sài Gòn – TNHH Một Thành viên (Satra) - một trong những địa điểm có nhiều mặt hàng thiết yếu bình ổn thị trường của thành phố (Ảnh: Hữu Luận).
Trung tâm thương mại Hùng Vương Square, Quận 5 - mô hình trung tâm thương mại kết hợp phong cách mua sắm của chợ truyền thống Việt Nam được đưa vào sử dụng ngày 17 tháng 01 năm 2015 (Ảnh: Hữu Luận).
Quang cảnh Ngày hội Du lịch năm 2015 – sự kiện thường niên diễn ra tại Thành phố Hồ Chí Minh do Sở Du lịch Thành phố Hồ Chí Minh, Cục Công tác phía Nam - Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và Hiệp hội Du lịch Thành phố Hồ Chí Minh phối hợp tổ chức (Ảnh: Hữu Luận).
Làng nghỉ dưỡng Thôn Kinh Đông, huyện Củ Chi (Ảnh: Hữu Luận).
Cầu vượt Cát Lái gồm 02 nhánh nối xa lộ Hà Nội với đại lộ Mai Chí Thọ (Ảnh: Lê Hữu Dũng).
Ngày 08 tháng 02 năm 2015, đường cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh – Long Thành – Dầu Giây chính thức thông xe toàn tuyến. Đây là công trình trọng điểm nhằm giải quyết nhu cầu giao thông ở phía Đông Thành phố, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của Thành phố Hồ Chí Minh, tỉnh Đồng Nai và các tỉnh lân cận (Ảnh: Quốc Thanh).
Đại lộ Nguyễn Văn Linh có chiều dài 17,8 km với 10 làn xe, là tuyến đường đô thị lớn và hiện đại, góp phần phát triển kinh tế cho khu vực phía Nam Thành phố Hồ Chí Minh (Ảnh: Hữu Luận).
Đường hầm sông Sài Gòn là công trình đường hầm vượt sông hiện đại nhất Đông Nam Á, có chiều dài 1,49 km, rộng 33m, gồm 06 làn xe lưu thông cho xe ô tô và xe máy (Ảnh: Ngô Thị Thu Ba).
Công trình cải tạo, nâng cấp toàn tuyến kênh Tân Hóa – Lò Gốm sạch, đẹp dài 7,5 km góp phần cải thiện môi trường, nâng cao chất lượng sống của người dân, khánh thành ngày 05 tháng 4 năm 2015 (Ảnh: Hữu Luận).
Ngày 29 tháng 4 năm 2015, công trình nâng cấp, cải tạo đường Nguyễn Huệ (Quận 1) thành phố đi bộ được đưa vào sử dụng. (Ảnh: Hữu Luận).
Nhà lưu trú công nhân Khu Công nghiệp Hiệp Phước (Ảnh: Quốc Thanh).
Khu dân cư The Useful tọa lạc tại quận Tân Bình với nhiều block chung cư đáp ứng nhu cầu nhà ở xã hội của người dân có thu nhập trung bình thấp của Thành phố Hồ Chí Minh (Ảnh: Quốc Thanh).
Một góc Khu đô thị Phú Mỹ Hưng – Quận 7 lung linh về đêm (Ảnh: Quốc Thanh).
Lãnh đạo Trung ương và Thành phố tuyên dương các gương điển hình tại Hội nghị biểu dương khu dân cư và trưởng ban công tác mặt trận tiêu biểu trong cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư” (giai đoạn 2009 - 2013) (Ảnh: Hữu Luận).
Chương trình biểu diễn đờn ca tài tử do Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch thực hiện chào đón Tết Giáp Ngọ 2014 tại sân khấu nổi trên kênh Tàu Hũ - Bến Nghé.
Chương trình quảng bá các tác phẩm đoạt giải thưởng văn học nghệ thuật do Liên hiệp các Hội văn học nghệ thuật Thành phố phối hợp với Nhà hát giao hưởng Nhạc - Vũ kịch Thành phố tổ chức, ngày 9 tháng 9 năm 2014 (Ảnh: Quốc Thanh).
Trường Trung học cơ sở Âu Lạc (46 Hoàng Việt, phường 4 - quận Tân Bình) được xây mới khang trang, sạch đẹp phục vụ nhu cầu học tập của các em học sinh trong năm học mới 2015 – 2016 (Ảnh: Quốc Thanh).
Giờ thực hành vi tính tại Trường Tiểu học Vàm Sát, huyện Cần Giờ (Ảnh: Võ Văn Hoàng).
Trường Đại học Quốc tế thuộc Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh – mô hình trường Đại học nước ngoài đầu tư vào Thành phố với qui mô hiện đại, áp dụng ngôn ngữ tiếng Anh làm ngôn ngữ chính thức cho toàn bộ hoạt động giảng dạy và nghiên cứu (Ảnh: Thái Tôn Hảo).
Bệnh viện quốc tế Thành Đô thuộc Khu Y tế kỹ thuật cao Hoa Lâm – Shangri-La được đưa vào sử dựng tại quận Bình Tân (Ảnh: Quốc Thanh).
Bệnh viện đa khoa Xuyên Á, huyện Củ Chi được đầu tư cơ sở vật chất và trang thiết bị y tế hiện đại nhằm đảm bảo công tác chăm sóc sức khỏe và chữa bệnh cho người dân (Ảnh: Quốc Thanh).
Siêu âm tuyến giáp cho bệnh nhân tại phòng khám vệ tinh của Bệnh viện Ung Bướu đặt tại Bệnh viện quận Bình Thạnh giúp giảm tải cho các bệnh viện tuyến trên (Ảnh: Mai Hải).
Các vận động viên thi đấu tại Giải Cờ vua Quốc tế HD Bank 2015 tại Thành phố Hồ Chí Minh. Đây là giải cờ vua quốc tế lớn nhất do Việt Nam tổ chức hàng năm nhằm tạo điều kiện cho các kỳ thủ trong nước thi đấu, cọ xát với các kỳ thủ thế giới (Ảnh: Hữu Luận).
Thanh thiếu nhi hào hứng với trò chơi kéo co trong Ngày Hội Văn hóa, Thể thao quần chúng xây dựng đời sống văn hóa nông thôn mới 2015 tại huyện Nhà Bè.
Sân bóng đá mini Thiên Phúc, xã Tân Thông Hội, huyện Củ Chi do tư nhân đầu tư nhằm phục vụ phong trào thể thao cộng đồng trên địa bàn.
Liên đoàn Lao động Thành phố Hồ Chí Minh trao tặng nhà tình nghĩa cho gia đình chính sách tại xã Phú Mỹ Hưng, huyện Củ Chi (Ảnh: Long Hồ).
Hội Nông dân phối hợp Đài Truyền hình Thành phố tổ chức chương trình “Tết làm điều hay vì nông dân nghèo - Xuân Giáp Ngọ 2014” nhằm kêu gọi sự chung tay chăm lo an sinh xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân nông thôn tại Thành phố Hồ Chí Minh (Ảnh: Hữu Luận).
Đồng chí Hứa Ngọc Thuận, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh trao quyết định của Ủy ban nhân dân Thành phố công nhận Quận 5 hoàn thành mục tiêu không còn hộ cận nghèo theo chuẩn thành phố giai đoạn 2014 – 2015 (Ảnh: Hữu Luận).
Hệ thống siêu thị Co.op mart Thành phố Hồ Chí Minh tích cực đưa hàng Việt Nam chất lượng cao, bình ổn thị trường (Ảnh: Quốc Thanh).
Phong trào hiến máu nhân đạo là hoạt động mang ý nghĩa cao cả và thiết thực luôn được người dân Thành phố Hồ Chí Minh hưởng ứng nhiệt tình và thực hiện có hiệu quả (Ảnh: Quốc Thanh).
Văn nghệ sĩ Thành phố đóng góp ủng hộ chiến sĩ Trường Sa (Ảnh: Quốc Thanh).
Đoàn viên, thanh niên Thành phố hăng hái tham gia các chiến dịch tình nguyện năm 2015 do Thành Đoàn Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức (Ảnh: Quốc Thanh).
Liên kết website
Điểm đến
Lượt truy cập
Đang online : 4
Lượt truy cập: 586965